Tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng thương mại Nhật Hàn
Nhật Bản - Hàn Quốc liên tục "bật đèn xanh"
Chính quyền Nhật Bản hôm 8.8 đã phê duyệt xuất khẩu lô hàng hóa chất công nghệ cao đầu tiên đóng vai trò thiết yếu với ngành công nghiệp con chíp của Hàn Quốc. Còn nhớ hồi tháng 7, Tokyo đã siết chặt xuất khẩu 3 hóa chất sang nước láng giềng sau khi cáo buộc một số hóa chất này được vận chuyển sang Triều Tiên và có nguy cơ được sử dụng trong chế tạo vũ khí quân sự.
Để được tiếp tục xuất khẩu 3 loại hóa chất này sang Hàn, các công ty Nhật phải có xin giấy phép xuất khẩu và thủ tục này có thể kéo dài tới 90 ngày. Nhưng Chính phủ Nhật Bản đã tạo điều kiện cho giấy phép xuất khẩu được cấp sớm hơn dự kiến. Chính phủ Hàn Quốc sau đó lên tiếng xác nhận các công ty Nhật đã đủ điều kiện xuất khẩu hóa chất trở lại.
Phía Tokyo khẳng định đã chấp thuận giấy xin phép xuất khẩu sau quá trình kiểm tra nghiêm ngặt và không phát hiện rủi ro với an ninh quốc gia, trích lời phát biểu của Yoshi Suga - quan chức nội các Nhật Bản.
“Điều này cho thấy Tokyo đang cấp quyền giao dịch thương mại cho những trường hợp thích hợp, và hạn chế xuất khẩu không phải là một lệnh cấm vận” - ông Suga chỉ rõ. Nhưng đồng thời, ông Ahmedhige Seko, Bộ trưởng Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng cảnh báo nước này có thể mở rộng các hạn chế thương mại nếu phát hiện các mối đe dọa an ninh quốc gia bên ngoài 3 hóa chất đang bị kiểm soát. Hồi tháng 7, sau khi các hạn chế này được đưa ra, phía Seoul đã gọi đây là những cấm vận “liều lĩnh”.
Đáp lại động thái tích cực từ Nhật Bản, Hàn Quốc hôm 9.8 đã hoãn quyết định đưa nước láng giềng ra khỏi danh sách đối tác thương mại tin cậy. Hồi tuần trước, Nhật Bản vừa thẳng tay loại Hàn Quốc khỏi danh sách ưu đãi thương mại, điều mà chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định là một động thái sai lầm.
Không chắc chắn xung đột Nhật Hàn có thể thổi bùng trở lại hay không, nhưng rõ ràng những động thái trong hai ngày gần đây đang báo hiệu một sự giảm nhiệt căng thẳng, một “viên thuốc an thần” với những người đang lo ngại nguy cơ chuỗi cung ứng linh kiện điện tử toàn cầu sụp đổ từ rạn nứt Tokyo - Seoul.
“Xuống thang” căng thẳng là hành động phù hợp
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng nhiều lần khẳng định xung đột leo thang là lưỡi dao đánh gục cả hai nền kinh tế
Hàn Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Nhật Bản, với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Nhật đạt tới 54 tỷ USD mỗi năm, trong đó chủ yếu là các sản phẩm máy móc công nghệ, ô tô và phụ tùng ô tô, hóa chất … Do đó, hành động kiểm soát xuất khẩu 3 hóa chất hồi tháng 7 không chỉ bóp nghẹt những công ty sản xuất chíp của Hàn Quốc như Samsung hay SK Hynik, mà còn làm tổn thương nặng nề các công ty xuất khẩu của Nhật Bản. Nguy cơ giá linh kiện tăng cao đi kèm rủi ro chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu sụp đổ, điều có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới các đế chế sản xuất smartphone như Huawei hay Apple.
Hồi tuần trước, chính phát ngôn viên của SK Hynik thừa nhận công ty đang đối diện những khó khăn nhất định sau khi Hàn Quốc bị loại khỏi danh sách trắng của Nhật Bản, dù lượng hàng dự trữ có thể đủ cung cấp cho hoạt động sản xuất duy trì bình thường một khoảng thời gian. Còn giám đốc quan hệ đầu tư của Samsung, ông Robert Yi thì khẳng định công ty sẽ gặp bất lợi lớn từ quy trình kiểm soát xuất khẩu của Tokyo.
Vậy nên, việc xung đột Nhật Hàn giảm nhiệt rõ ràng là bước biến chuyển đầy tích cực với hai quốc gia láng giềng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung, nhất là trong bối cảnh quan ngại bất ổn thương mại lên cao như hiện nay.