“Tỉnh dậy, tôi bật khóc vì mất một bên chân"

Nguyệt Minh - Gia Khiêm Thứ năm, ngày 28/03/2024 06:00 AM (GMT+7)
Sốc và tuyệt vọng là cảm xúc mà chị Vũ Thị Trang (SN 1990, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) đã trải qua lúc tỉnh dậy sau ca phẫu thuật. Từ nay, chị Trang sẽ phải sống với cảnh tật nguyền khi đã vĩnh viễn mất đi một bên chân.
Bình luận 0


"Tỉnh dậy, tôi bật khóc vì mất một bên chân". Thực hiện: Nguyệt Minh

“Mọi thứ diễn ra quá nhanh với tôi"

Trong căn phòng trọ xập xệ chỉ khoảng 15m2, chị Trang ngồi tựa mình vào góc tường. Nhìn xuống bên chân đã mất với vết thương còn chưa lành, ánh mắt chị chất chứa bao nỗi buồn tủi cùng sự lo lắng. Chị Trang đau lòng: “Tôi vốn đã ốm yếu vì đi chạy thận hơn 10 năm qua, giờ lại mất đi một bên chân, tôi thấy tủi thân vì cuộc sống hiện tại phải phụ thuộc vào người khác".

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, chị Trang cho biết, đêm mùng 2 Tết chị nhập Bệnh viện Nội tiết Trung ương cấp cứu trong tình trạng sốt cao, mê man. Mùng 3 chị được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật cắt chân do bị hoại thư sinh hơi.

"Mọi thứ diễn ra quá nhanh với tôi, tỉnh dậy tôi đã thấy mình mất một bên chân. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay còn khó khăn hơn. Không có chân, tôi đi lại vô cùng khó khăn, càng không thể đi bán hàng rong để kiếm thêm thu nhập" - chị Trang giãi bày.

“Tỉnh dậy, tôi bật khóc vì mất một bên chân" 
- Ảnh 1.

Chị Vũ Thị Trang là một bệnh nhân phải chạy thận hơn 10 năm nay, nhưng chị chưa bao giờ ngừng cố gắng trong cuộc sống. Biến cố bất ngờ ập tới khi chị phải phẫu thuật cắt bỏ một bên chân. Ảnh: Nguyệt Minh

Ngay từ khi sinh ra, cuộc sống của chị Trang đã gắn liền với bệnh tật. Chị bị di truyền bệnh tiểu đường từ mẹ. Cả tuổi thơ của chị Trang là những ngày tháng gắn liền với bệnh viện. Dù thiệt thòi hơn nhiều so với bạn bè đồng trang lứa, nhưng chị vẫn luôn sống tích cực và tin vào cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

"Tốt nghiệp cấp 3, tôi cũng có đi làm ở vài nơi, sau đó một thời gian thì bố mua cho tôi một chiếc máy may để tôi làm may ở nhà. Những tưởng cuộc sống cứ thế bình dị trôi qua, đến năm 20 tuổi, tôi phát hiện mình bị suy thận" - chị Trang cố giấu tiếng nấc nghẹn khi kể về cuộc đời mình.

Giây phút đứng nhìn kết quả xét nghiệm, cô gái 20 tuổi khi ấy không khỏi bàng hoàng. Thế nhưng với bản lĩnh của mình, đã hơn 10 năm qua, chị Trang kiên trì chiến đấu với căn bệnh suy thận quái ác.

Từ ngày còn đủ sức khỏe để đi về nhà, đến ngày phải thuê trọ ở gần để tiện cho việc chạy thận 3 lần mỗi tuần, chị Trang vẫn luôn cố gắng giữ một tinh thần tích cực. “Những lúc khoẻ, tôi đi nấu nước chè, nước vối, bán hàng rong để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, cuộc đời lại mang đến nhiều khó khăn thử thách cho mình đến vậy" - chị Trang tâm sự.


“Tỉnh dậy, tôi bật khóc vì mất một bên chân" 
- Ảnh 2.

Ngồi ở một góc giường, chị Trang vẫn chưa hết bàng hoàng vì mọi việc diễn ra quá nhanh chóng, chỉ sau một ca phẫu thuật, chị đã mãi mãi mất đi một bên chân của mình. Ảnh: Nguyệt Minh

Ước mong “tàn nhưng không phế"

Cẩn thận di chuyển từng bước, chị Trang vẫn còn bỡ ngỡ vì phải tập làm quen với việc sử dụng nạng. Những công việc trước đây chị có thể chủ động làm như nấu ăn, vệ sinh cá nhân,... giờ đây đều cần có người hỗ trợ.

Mỗi khi nghĩ đến cảnh đời bất hạnh, chị Trang lau vội những giọt nước mắt, cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để gia đình và người thân đỡ lo lắng. Thế nhưng chị hiểu, không thể mãi phụ thuộc vào sự giúp đỡ của mọi người. Chị cần phải chủ động từ những việc nhỏ nhất, chị cũng cần đi bán hàng trở lại để có thêm thu nhập.

Dù vĩnh viễn mất đi một bên chân, nhưng cô gái nghị lực vẫn luôn tâm niệm, bản thân “tàn nhưng không phế”. Không chịu khuất phục trước những nghiệt ngã của số phận, chị Trang vẫn đang cố gắng vì một tương lai tươi sáng hơn.

“Tỉnh dậy, tôi bật khóc vì mất một bên chân" 
- Ảnh 3.

Chị Trang phải học làm quen với việc sử dụng nạng để phục vụ cho cuộc sống hằng ngày. Ảnh: Nguyệt Minh

Ước mong lớn nhất của chị Trang hiện tại là được lắp chân giả, chị tâm sự: “Nếu được lắp chân giả, tôi có thể chủ động cuộc sống của mình hơn việc sử dụng nạng. Gia đình và mọi người trong xóm trọ sẽ đỡ phần lo lắng cho tôi".

Thế nhưng, chi phí lắp chân giả có thể lên tới 120.000.000 đồng, đó là số tiền quá lớn với chị Trang và gia đình.

“Tỉnh dậy, tôi bật khóc vì mất một bên chân" 
- Ảnh 4.

Gặp khó khăn trong việc di chuyển, những sinh hoạt thường ngày như vệ sinh cá nhân, nấu ăn… chị Trang cũng cần có người giúp đỡ. Ảnh: Nguyệt Minh

Bà Nguyễn Thị Hạnh - Trưởng thôn My Dương (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) cho biết: “Hoàn cảnh của chị Trang rất khó khăn, chị đã phải chuyển đến Hoàng Mai để chạy thận hơn chục năm nay. Bố mẹ đều đã già, không còn sức lao động. Chị gái của Trang cũng phải chăm chồng bị ung thư ở viện K, em gái đã lập gia đình kinh tế cũng không khá giả hơn là bao. Biết tin Trang bị mất một bên chân, tôi thương Trang và gia đình lắm, mong các nhà hảo tâm trên cả nước giúp đỡ để em được lắp chân giả".

Với khát khao tiếp tục lao động, chị Trang mong các mạnh thường quân cùng chung sức để một lần nữa chị được bước trên đôi chân của mình.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về

Chị Vũ Thị Trang (xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội)
SĐT: 0968384290
STK: 1303206443581 - Ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Agribank

Hoặc gửi về:

Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Số tài khoản: 2120524887 - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ MS 28324

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem