Tình hình Afghanistan: tiền tệ trượt giá, giá lương thực leo thang chóng mặt

10/10/2021 19:32 GMT+7
Giá lương thực đang leo thang mạnh mẽ ở Afghanistan khi tiền tệ trượt giá và kim ngạch nhập khẩu lương thực từ Pakistan giảm mạnh do tình trạng thiếu hụt đồng USD dẫn đến không thể thanh toán hợp đồng nhập khẩu.

Trả lời tờ Nikkei Asia, ông Zia-ul-Haq Sarhadi, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pakistan-Afghanistan (PAJCCI) cho hay các chuyến hàng thực phẩm từ Pakistan đến Afghanistan đã giảm mạnh trong những ngày qua khi chính quyền Taliban giới hạn số ngoại tệ được rút từ ngân hàng hàng tuần xuống mức 200 USD, hoặc khoảng 20.000 đơn vị tiền Afghanistan.

Theo ông Sarhadi, chỉ những chuyến hàng xi măng được thanh toán trước khi Taliban tiếp quản Kabul mới được di chuyển qua biên giới Afghanistan - Pakistan tại Torkham. Nhưng số lượng xe tải chạy qua biên giới cũng đang giảm mạnh, từ mức 1.000 xe/ ngày cách đây vài tuần đã giảm xuống chỉ còn chưa đầy 200 xe/ ngày trong những ngày gần đây.

Việc Taliban áp đặt giới hạn rút tiền nhằm ngăn chặn sự dịch chuyển tiền tệ trong bối cảnh Mỹ tiếp tục chặn quyền truy cập của Afghanistan vào số tài sản dự trữ đồng USD trị giá 9,5 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Afghanistan tại các ngân hàng Mỹ. Đây là một phần trong lệnh trừng phạt Taliban mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt. 

Trước áp lực của Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đóng băng 460 triệu USD đáng lẽ được phân bổ đến Afghanistan hồi tháng trước. World Bank sau đó cũng đóng băng hỗ trợ tài chính cho Afghanistan.

Tình hình Afghanistan: tiền tệ trượt giá, giá lương thực leo thang chóng mặt - Ảnh 1.

Tình hình Afghanistan: tiền tệ trượt giá, giá lương thực leo thang chóng mặt (Ảnh: Reuters)

Nền kinh tế Afghanistan phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp cận nguồn ngoại tệ và viện trợ quốc tế. Theo World Bank, các khoản viện trợ quốc tế chiếm tới 75% chi tiêu công của Afghanistan. Nhưng hầu hết các khoản này đã bị chặn kể từ khi Taliban tiến vào Kabul.

Với việc bị chặn tiếp cận nguồn dự trữ ngoại tệ ở nước ngoài, hệ thống tài chính của Afghanistan hiện đang trên bờ vực sụp đổ. Đồng nội tệ rớt giá chưa từng có. Chính phủ không thể trả lương cho nhân viên. 

Mỗi ngày, bên ngoài các ngân hàng ở Afghanistan, người dân xếp thành những hàng dài để chờ đợi rút tiền ra khỏi ngân hàng khi tình trạng thiếu tiền mặt ngày càng trầm trọng. Nhiều chi nhánh ngân hàng không mở cửa hoặc mở cửa nhưng chỉ cung cấp một số dịch vụ hạn chế.

Elizabeth Threlkeld, một thành viên cấp cao và là Phó giám đốc Chương trình Nam Á tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Washington nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng tiền mặt ập đến với Afghanistan vào thời điểm mà nước này ít có khả năng chi trả nhất. Đây là thách thức lớn đối với chính phủ Taliban trong tương lai, cũng như là tranh cãi lớn với các nhà hoạch định chính sách Washington”.

Cắt đứt khả năng tiếp cận của Afghanistan với nguồn viện trợ nước ngoài và dự trữ ngoại hối là "con dao hai lưỡi", bởi bất kỳ đòn giáng nào của Washington với Taliban cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến “túi tiền người dân Afghanistan” ở thời điểm bất ổn xã hội như hiện tại. 

Tháng trước, Bộ Tài chính Pakistan đã quyết định chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền Afghanistan với các mặt hàng dễ hư hỏng xuất khẩu sang quốc gia láng giềng này. Tuy nhiên cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước Pakistan vẫn chưa chính thức công bố chính sách giao dịch tiền tệ mới. Do đó, xuất khẩu sang Afghanistan đang giảm mạnh khi các nhà nhập khẩu không có ngoại tệ để chi trả.

Ông Zubair Motiwala, Chủ tịch PAJCCI cho hay xuất khẩu của Pakistan sang Afghanistan đã giảm 50%.

Trong khi đó, đồng tiền Afghanistan đã mất giá mạnh so với đồng USD. Tỷ giá đã giảm từ 80,9 đồng Afghanistan đổi 1 USD hôm 15/8 xuống còn 90 đồng Afghanistan đổi 1 USD. Các mặt hàng thực phẩm như bột mì và dầu ăn đã tăng 35% trong những tuần gần đây, theo một nhà báo giấu tên ở Kabul. “Người Afghanistan đang phải vật lộn với hai vấn đề thất nghiệp và lạm phát lương thực, một phần là do các thương nhân cơ hội đẩy giá hàng hóa trên thị trường chợ đen” - ông này cho hay. 

An ninh lương thực của Afghanistan cũng đang bị đe dọa do vụ thu hoạch lúa mì mùa đông sắp bắt đầu có thể bị gián đoạn do bất ổn chính trị. 


NTTD
Cùng chuyên mục