Tổng Thanh tra Chính phủ: Ưu tiên xử lý kinh tế đối với việc thu hồi tài sản

06/11/2022 07:48 GMT+7
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, việc thu hồi tài sản đang ưu tiên xử lý kinh tế, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự.

Ngày 5/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn các nhóm vấn đề chất vấn gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật. Biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra. Việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khắc phục chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

ĐB Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông) cho biết, 40-50% số tài sản chưa được thu hồi trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo. "Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp căn cơ nhằm thu hồi tài sản tham nhũng", ông Tiến chất vấn.Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thu hồi là vấn đề khó, nhất là tài sản kinh tế. Sau khi Ban Bí thư có Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Do đó trong 9 tháng đầu năm, tài sản thu hồi đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021.

Tổng Thanh tra Chính phủ: Ưu tiên xử lý kinh tế đối với việc thu hồi tài sản - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội.

Đề cập đến giải pháp để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, ông Phong cho hay, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm phải xử lý ngay, tránh tẩu tán, thất thoát tài sản. Đồng thời, các cơ quan phải tích cực hợp tác quốc tế trong giải quyết, thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài.

Tranh luận, theo ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên là rất khó, chưa có giải pháp hiệu quả. Trong điều kiện chưa có luật về đăng ký tài sản, nên có thể chuyển hướng từ xử lý hình sự sang khởi kiện dân sự để thu hồi được nhiều hơn.

Liên quan đến vấn đề trên, theo ông Phong, việc thu hồi tài sản đang ưu tiên xử lý kinh tế, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự. Đây là quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thanh tra Chính phủ cũng quán triệt quan điểm này trong xử lý các vụ việc. Đối với những vụ chưa phân định rõ là hình sự hay kinh tế thì ưu tiên xử lý kinh tế trong thời hạn thanh tra. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng trong một thời hạn nhất định là 1,5 năm, nếu sau thời gian này không thực hiện được thì sẽ chuyển đến cơ quan điều tra.

Đánh giá việc xử lý thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề khó, nhất là tài sản kinh tế, thực trạng chưa đạt được như mong muốn, Tổng Thanh tra cho rằng, vừa qua, trước tình trạng thu hồi tài sản tham nhũng kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04 về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát trong những vụ án về kinh tế.

Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, thu hồi tài sản tham nhũng sau kết quả thanh tra đã tăng gần gấp đôi so với năm 2021, thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan thi hành án cũng tăng gần 3 lần.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện tốt Chỉ thị 04, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về thu hồi tài sản còn bất cập, nhất là quy định về cưỡng chế, xử lý sau thanh tra, cơ chế chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu chưa đồng bộ, gây khó khăn cho công tác thu hồi.

Về giải pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, cần hoàn thiện cơ chế thu hồi, tăng cường xử lý sau thanh tra và thi hành án, trong quá trình điều tra và thanh tra, khi phát hiện dấu hiệu tội phạm phải xử lý ngay không để đến lúc truy tố, xét xử thì các đối tượng thường tẩu tán, gây thất thoát tài sản. Trong các trường hợp giải quyết, thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài cần có hợp tác quốc tế để thu hồi.

Báo cáo thêm về vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong quá trình chỉ đạo thanh tra, Chính phủ yêu cầu thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động, xử lý chồng chéo trong kiểm toán, kiểm tra, thanh tra, nhất là ở các doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngành thanh tra tập trung thanh tra trong một số lĩnh vực quan trọng như: đầu tư, xây dựng, đấu thầu, chứng khoán, ngân hàng… Thủ tướng Chính phủ trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo về kết luận thanh tra, nhất là với những vấn đề phức tạp, qua đó nhiều cuộc thanh tra đạt kết quả tốt, xử lý nghiêm các vi phạm.

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn ngành thanh tra đã thực hiện trên 5.000 kết luận, trong đó trên 3.000 kết luận thanh tra đã được thực hiện 100%, chiếm trên 61% tổng số kết luận đã được đôn đốc, số tiền thu hồi đạt trên 60% là một nỗ lực rất lớn.


An Vũ
Cùng chuyên mục