Cần trên 400.000 tỷ đồng đầu tư 28 sân bay, vai trò tư nhân ở đâu?
Cần trên 400.000 tỷ đồng đầu tư 28 sân bay
Trong những năm qua, ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng vượt bậc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Sự tăng trưởng bình quân 10 năm gần đây của ngành hàng không Việt Nam khoảng 18%.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế IATA, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Điển hình là chúng ta đang khai thác hệ thống 22 cảng hàng không, trong đó 9 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa.
Cụ thể, Khu vực miền Bắc có 7 cảng hàng không gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi) và 4 cảng hàng không quốc nội (Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới, Vinh).
Khu vực miền Trung có 7 cảng hàng không gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh) và 4 cảng hàng không quốc nội (Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà).
Khu vực miền Nam có 8 cảng hàng không gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc) và 5 cảng hàng không quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).
Hiện, Bộ GTVT đang dự thảo quy hoạch phát triển thêm nhiều sân bay tại các địa phương, nói về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết: "Dự kiến, giai đoạn 2021 - 2030 nếu đầu tư 28 sân bay như đề xuất mới đây của Bộ GTVT cần trên 400.000 tỷ đồng".
"Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Bộ GTVT mới cân đối được 265.991 tỷ đồng, cần huy động thêm 128.000 tỉ đồng từ tư nhân. Hiện 10 địa phương đang đề xuất xây sân bay, tức cần thêm nhiều nguồn lực tư nhân hơn nữa", ông Dũng nói về nguồn vốn huy động từ tư nhân.
Cũng đánh giá về việc tìm vốn đầu tư các sân bay, ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, các tỉnh đề xuất đầu tư sân bay là xu thế, tín hiệu rất tốt.
Vừa qua Chính phủ thành lập tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá tổng thể để bổ sung vào quy hoạch sân bay. Bộ GTVT cũng đã làm việc với các tỉnh nhằm làm rõ một số vấn đề và tham mưu cho Chính phủ.
Ông Hảo cho biết, muốn đầu tư xây dựng sân bay phải xem xét tới 30 tiêu chí. Không phải địa phương có đất là có thể xây sân bay mà phải nghiên cứu phương thức bay, cất và hạ cánh.
"Thậm chí phải nghiên cứu hướng gió, khí hậu, thời tiết trong vòng 5 - 10 năm. Với mục đích chúng ta có một sân bay hoạt động ổn định, an toàn. Vì xây sân bay lợi nhuận không phải là yếu tố quyết định…"- ông Hảo nói.
Rất cần nguồn vốn tư nhân đầu tư xây dựng sân bay
Chia sẻ kinh nghiệm của nhà đầu tư tư nhân đối với lĩnh vực hàng không, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho biết, sân bay Vân Đồn là cảng hàng không đầu tiên do đơn vị tư nhân đầu tư, vận hành.
Việc triển khai thành công dự án không chỉ đánh dấu sự góp mặt hiệu quả của kinh tế tư nhân trong hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông mà còn tạo động lực để huyện Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung thu hút, huy động nguồn lực đầu tư lớn khác, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.
"Số liệu thống kê ngân sách huyện Vân Đồn năm 2015 thu được 130 tỷ đồng và từ năm 2020, ngân sách địa phương này đã vượt 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Từ năm 2022, Vân Đồn là địa phương thứ 6/13 địa phương của tỉnh Quảng Ninh tự cân đối ngân sách", ông Sáu đưa ra con số chứng minh cho việc đầu tư sân bay là đúng đắn.
Theo ông Sáu, đầu tư sân bay có khó khăn trong huy động nguồn lực xã hội, trong đó, có ba vấn đề chính liên quan quy định pháp luật, công tác vận hành và tính chủ động của nhà đầu tư.
Cụ thể, quy định pháp luật hiện nay chưa thực sự quan tâm, đề cập đến đối tượng tư nhân tham gia hoạt động hàng không nên chưa có những cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa xây dựng cảng hàng không.
"Sân bay "tư nhân" cũng không có hệ thống hỗ trợ chung như của ACV nên gặp khó khăn khi có đột biến về sản lượng cũng như bắt buộc phải thuê lực lượng an ninh của bên thứ ba", ông Sáu nêu ra khó khăn.
Theo ông Sáu, hiện nay chưa có cơ chế chủ động dẫn tới thực tế một số địa phương chưa có sân bay trong quy hoạch nên dù muốn có sân bay, có nhà đầu tư cam kết tham gia nhưng lại không thực hiện được, trong khi một số địa phương có quy hoạch nhưng lại không có nguồn lực và nhà đầu tư sẵn sàng tham gia.
Đánh giá các vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, trong những năm qua, ngành hàng không Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Minh chứng rõ nhất là thị trường hàng không Việt Nam cũng được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Thời gian qua, rất nhiều địa phương mong muốn và đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư phát triển các cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giao thông chỉ đáp ứng được khoảng 65,8% nhu cầu.
Theo Thứ trưởng Tuấn, Bộ GTVT đã gửi đề cương "Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không" tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Đề án theo nhiệm vụ được giao, làm cơ sở triển khai thu hút nguồn lực đầu tư các cảng hàng không.
Trong các lĩnh vực giao thông vận tải, hàng không là lĩnh vực kinh tế vận tải áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại với hoạt động mang tính quốc tế cao, gắn liền với an toàn và an ninh, buộc phải hoạt động đồng bộ theo quy trình chặt chẽ.
"Với hình thành và phát triển hệ thống cảng hàng không của Việt Nam gắn liền với hoạt động quân sự, nên việc quản lý đất đai, quản lý tài sản và mô hình vận hành, khai thác tương đối phức tạp", Thứ trưởng nhận định.
"Bộ GTVT rất mong các cơ quan, các địa phương, các nhà đầu tư có thêm thông tin, nhận thức về cách thức, trình tự, thủ tục và những thách thức trong quá trình tổ chức thực hiện huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo phương thức PPP nhằm đồng hành, chia sẻ với Bộ GTVT trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không trong thời gian tới", Thứ trưởng nói.