TP.HCM đặt lộ trình phát triển nhà ở, dự kiến đến năm 2025 có gần 400 căn nhà

10/09/2022 11:23 GMT+7
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có thêm 367 căn nhà. Dự kiến vốn để phát triển nhà ở tại TP đến năm 2025 là 566.995 tỷ đồng; đến năm 2030 là 956.000 tỷ đồng.

UBND TP.HCM mới đây đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 là: Đến năm 2025, phấn đấu chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 23,5m2/người.

Tổng diện tích nhà ở tăng thêm TP giai đoạn 2021-2025 đạt 50,0 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 367.000 căn nhà.

TP.HCM đặt lộ trình phát triển nhà ở, dự kiến đến năm 2025 có gần 400 căn nhà - Ảnh 1.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có thêm 367 căn nhà. Ảnh minh họa thesaigontimes

Phát triển nhà ở tại các khu vực dọc theo các điểm kết nối tuyến giao thông công cộng trọng điểm: tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đi qua TP Thủ Đức (hướng Đông); tuyến Metro số 2 Bến Thành – Tham Lương đi qua các quận Tân Phú, 12 (hướng Bắc); tuyến Metro số 3a Bến Thành – Tân Kiên đi qua các quận, huyện Bình Tân, Bình Chánh (hướng Tây).

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch để tạo lập, xác định rõ các quỹ đất phát triển dự án nhà ở tại các quận nội thành phát triển (Quận 7, Quận 12, quận Bình Tân và TP Thủ Đức).

Mục tiêu giai đoạn 2025-2030: Đến năm 2030, phấn đấu chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn TP đạt 26,5 m2/người. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm TP giai đoạn 2026-2030 đạt 57,5 triệu m2 sàn.

Phát triển nhà ở tại các khu vực dọc theo các điểm kết nối tuyến giao thông công cộng trọng điểm, phát triển mạnh nhà ở tại khu vực các quận nội thành phát triển (Quân 7, Quận 12, quận Bình Tân và TP Thủ Đức).

Phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch, tạo lập quỹ đất phát triển dự án tại các huyện ngoại thành, ưu tiên tạo điều kiện để phát triển các dự án nhà ở giá rẻ, phục vụ đại bộ phận người lao động định cư đến TP.

Dự kiến vốn để phát triển nhà ở tại TP đến năm 2025 là 566.995 tỷ đồng; đến năm 2030 là 956.000 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, TP dự kiến: Phát triển nhà ở thương mại bằng nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng,…; nhà ở riêng lẻ tự xây của các hộ gia đình bằng nguồn vốn tích lũy thu nhập của các hộ gia đình; vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, ngân hàng chính sách xã hội,… và một phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Tổng nhu cầu quỹ đất để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 toàn TP khoảng 5.239 ha. Trong đó, nhu cầu quỹ đất phát triển nhà ở thương mại khoảng 4.788 ha; nhu cầu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 451 ha, trong đó quy mô quỹ đất phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp khoảng 417,2 ha, phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân khoảng 33,8 ha.

Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030."

Hiện đã có 40 địa phương đăng ký nhu cầu và kế hoạch thực hiện. Nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,6 triệu căn và mục tiêu đề ra của các địa phương cho giai đoạn này là hoàn thành khoảng 1,8 triệu căn hộ.

Lộ trình thực hiện cũng được chia ra theo 2 giai đoạn. Năm 2021-2025, thống kê nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu được các địa phương đặt ra là hoàn thành 700.000 căn, đáp ứng khoảng 54% nhu cầu.

Tương tự, giai đoạn 2025-2030, nhu cầu là 1,3 triệu căn nhưng mục tiêu hoàn thành tăng lên thành 1,1 triệu căn hộ, đáp ứng khoảng 85% nhu cầu.

Dẫn đầu về nhu cầu của phân khúc nhà ở này theo đăng ký là TP.HCM với hơn 345.000 căn, tiếp đến là Long An 310.000 căn, Bắc Giang trên 285.000 căn, Đồng Nai khoảng 152.000 căn, Hà Nội 136.000 căn...


An Vũ
Cùng chuyên mục