Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc

17/05/2021 13:12 GMT+7
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong tháng 4 so với mức tăng vọt hồi quý I khi sản lượng công nghiệp suy yếu và doanh số bán lẻ không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích.

Sản lượng công nghiệp Trung Quốc tháng 4 tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, suy yếu từ mức tăng 14,1% đạt được hồi tháng 3, theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS).

Hồi quý I, Trung Quốc báo cáo GDP tăng kỷ lục 18,3%. Con số này củng cố kỳ vọng của nhiều nhà quan sát rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng vượt 8% trong năm nay, cao hơn nhiều mức mục tiêu “hơn 6%” mà các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đề ra.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cảnh báo sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và một số nguyên nhân khác có thể làm giảm động lực tăng trưởng của Trung Quốc trong những quý tới.

Fu Linghui, một phát ngôn viên của NBS, cho biết nền kinh tế Trung Quốc đã có sự cải thiện ổn định trong tháng 4 nhưng cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp mới. “Nền tảng cho sự phục hồi kinh tế đồng đều và vững chắc trong nước vẫn chưa được đảm bảo”.

Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc - Ảnh 1.

Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc

Số liệu tăng trưởng đột biến của Trung Quốc trong những tháng đầu năm được thúc đẩy bởi tương quan khi so sánh với nền kinh tế tê liệt hồi quý I năm ngoái, thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát buộc Bắc Kinh thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Trong những tháng tiếp theo, mức tăng trưởng có thể yếu dần đi khi so sánh với các tháng cùng kỳ năm ngoái, bởi Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế từ tháng 4/2020.

Thật vậy, doanh số bán lẻ trong tháng 4 của Trung Quốc tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều mức tăng 24,9% được dự báo và suy yếu đáng kể so với mức tăng 34,2% hồi tháng 3.

Dữ liệu của NBS cho thấy, tăng trưởng doanh số bán thiết bị gia dụng trong tháng 4 chỉ đạt 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tức giảm mạnh so với mức tăng 38,9% đạt được vào tháng 3.

Đầu tư vào tài sản cố định tăng 19,9% trong bốn tháng năm, chậm lại so với mức tăng 25,6% tính đến hết quý I. Đầu tư vào tài sản cố định của khu vực tư nhân, chiếm khoảng 60% tổng vốn đầu tư, đã tăng 21% trong 4 tháng đầu năm, cũng giảm đáng kể so với mức tăng bình quân 26% nếu chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm.

Kinh tế phục hồi không đồng đều

Một cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào tháng trước cảnh báo đà phục hồi kinh tế trong nước vẫn chưa đồng đều và vững chắc.

Xuất khẩu bất ngờ tăng tốc trong tháng 4 và tăng trưởng nhập khẩu đạt mức cao nhất trong 10 năm nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng và hoạt động sản xuất ở các quốc gia khác vẫn bị đình trệ.

Tuy nhiên, hoạt động nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 4 đã suy yếu do sự tắc nghẽn nguồn cung một số mặt hàng quan trọng như chip bán dẫn, cũng như chi phí tăng cao gây áp lực lên dây chuyền sản xuất.

Tình huống này xảy đến khi các nhà chức trách Bắc Kinh tuyên bố sẽ giảm dần các  biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa được bơm vào nền kinh tế trong suốt năm qua. Sự sụt giảm đáng kể các khoản tín dụng trong tháng 4 cho thấy ngân hàng Trung ương có thể lật ngược chính sách tiền tệ nới lỏng nhanh hơn dự kiến. Điều này cũng gây quan ngại cho các nhà đầu tư về hệ lụy tiêu cực của nó đến đà phục hồi kinh tế.


NTTD
Cùng chuyên mục