Trung Quốc hạ vũ khí công nghệ quan trọng để "lấy lòng" Biden

21/02/2021 14:19 GMT+7
Trung Quốc vừa tăng hạn ngạch khai thác và sản xuất đất hiếm trong năm nay, một động thái có ý nghĩa như thông điệp đầy thiện chí gửi đến chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Bộ Công nghiệp & Công nghệ Thông tin cùng Bộ Tài nguyên Trung Quốc cuối tuần này tuyên bố tăng sản lượng khai thác khoáng sản đất hiếm trong nửa đầu năm 2021 lên tới 84.000 tấn, từ mức 66.000 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Đất hiếm là khoáng sản đóng vai trò quan trọng trong sản xuất các thiết bị công nghệ cao, thiết bị quốc phòng và xe điện. Nam châm đất hiếm neodymium là loại nam châm vĩnh cửu được sử dụng rộng rãi nhất trong nhiều lĩnh vực như sản xuất thiết bị linh kiện điện tử, hàng không, đồng hồ đo, công nghệ y tế, sinh học… Hiện nay, Trung Quốc sản xuất 60% lượng đất hiếm trên toàn thế giới. Việc Trung Quốc giữ vai trò quan trọng như vậy trong chuỗi cung ứng đất hiếm đã làm dấy lên mối quan ngại về an ninh nguồn cung với các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản, vốn đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Rất nhiều công ty công nghệ lớn, trong đó có các công ty Mỹ phải “dựa dẫm” vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc để sản xuất linh kiện.

Trung Quốc hạ vũ khí quan trọng để "lấy lòng" Biden - Ảnh 1.

Trung Quốc vừa tăng hạn ngạch khai thác và sản xuất đất hiếm trong năm nay, một động thái có ý nghĩa như thông điệp đầy thiện chí gửi đến chính quyền Biden

Thực tế, Trung Quốc trước đó đã kiểm soát chặt chẽ việc khai thác và xuất khẩu đất hiếm trong bối cảnh căng thẳng Mỹ Trung leo thang dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vào tháng 1, Bộ Công nghiệp Trung Quốc từng khiến Mỹ quan ngại với dự thảo quy định tạm thời liên quan đến theo dõi, quản lý dự trữ nguồn cung đất hiếm.

Việc Trung Quốc cho phép tăng đáng kể hạn ngạch sản xuất đất hiếm mới đây, theo ông Wang Yong, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế của Đại học Bắc Kinh, có thể được coi như một cử chỉ cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng làm việc trên tinh thần xây dựng với các nước phương Tây - mà cụ thể là Mỹ - trong lĩnh vực thương mại.

“Chính quyền Biden nên xem xét nghiêm túc thông điệp này, rằng Trung Quốc hy vọng duy trì một mối quan hệ thương mại ổn định trên cơ sở đôi bên cùng có lợi… Nhưng nếu phía Mỹ tiếp tục theo đuổi các biện pháp trừng phạt kinh tế và hạn chế công nghệ, nguồn cung đất hiếm sẽ tiếp tục nằm trong những công cụ trả đũa được Bắc Kinh cân nhắc” - ông Wang Yong cảnh báo.

Tờ Financial Times đưa tin hôm thứ Ba rằng Trung Quốc đang thăm dò xem liệu họ có thể gây hại cho các doanh nghiệp quốc phòng Mỹ thông qua hạn chế nguồn cung đất hiếm hay không. Tờ Bloomberg cũng từng đưa tin rằng Trung Quốc đang cân nhắc hạn chế hoặc cấm xuất khẩu công nghệ tinh chế đất hiếm đến những quốc gia mà họ cáo buộc là mối đe dọa an ninh.

Mỹ đã nhập khẩu khoảng 80% đất hiếm từ Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2018. Nhiều nhà bình luận cho rằng Bắc Kinh có thể kìm hãm nguồn cung đất hiếm như đòn đáp trả thuế quan mà Mỹ áp đặt lên hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc dưới thời cựu tổng thống Donald Trump. Năm 2010, Trung Quốc từng cắt nguồn xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong một cuộc xung đột thương mại. 

Nhận thấy xu hướng này, từ năm 2017, Mỹ đã bắt đầu đầu tư phát triển khai thác đất hiếm trong nước để ứng phó lại với chiến lược siết chặt nguồn cung của Trung Quốc. Mỏ Mountain Pass ở California hiện là mỏ khai thác đất hiếm lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Cùng với đó, công ty khai thác đất hiếm Lynas có trụ sở tại Malaysia cũng đang xây dựng cơ sở sản xuất tại Hondo, Texas.

“Chúng tôi nhận định mối đe dọa đất hiếm từ Trung Quốc sẽ tác động đến Mỹ ở mức độ nhẹ” - Ed Mills và Pavel Molchanov, hai nhà phân tích thuộc ngân hàng Raymond James Financial cho biết trong một nghiên cứu công bố vào năm 2019. Tuy Trung Quốc xuất khẩu lượng đa số kim ngạch thương mại đất hiếm trên toàn thế giới, Mỹ chỉ chiếm 9% nhu cầu đất hiếm toàn cầu. Năm 2018, Mỹ chi vỏn vẹn 160 triệu USD cho nhập khẩu đất hiếm. Lý do khá đơn giản, Mỹ có năng lực sản xuất khá hạn chế với các sản phẩm công nghệ cao sử dụng đất hiếm, như smartphone, TV màn hình phẳng, pin xe điện, laser… Đa số các mặt hàng đó được sản xuất ở Trung Quốc hoặc các nước Châu Á.


NTTD
Cùng chuyên mục