Trung Quốc hạn chế nhập khẩu than Úc, nhà sản xuất Mỹ 'ngư ông đắc lợi'
Hôm 28/6, con tàu Frontier Unity rời cảng Newport News, Virginia với sức chở 136.400 tấn than bắt đầu hành trình viễn dương đến Trung Quốc. Theo công ty khai thác Coronado Global Resources Inc., đây là chuyến hàng than lớn nhất từ một cảng ở bờ biển miền đông nước Mỹ.
Đối với Coronado, chuyến hàng này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong “vận may” của các nhà sản xuất và khai thác than ở Mỹ, vốn đã buộc phải tạm ngừng hoạt động từ tháng 3 năm ngoái sau khi sự bùng phát đại dịch Covid-19 gây sức ép nặng nề lên nhu cầu than toàn cầu.
Việc hưởng lợi từ lệnh cấm nhập khẩu than Úc của chính phủ Trung Quốc, cộng với đà tăng giá than khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi đã thúc đẩy các chuyến hàng than xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.
Gerry Spindler, giám đốc điều hành của Coronado, công ty vận hành các mỏ than ở Mỹ và Úc nhận định: “Là nhà cung cấp than luyện kim quan trọng trên toàn cầu, sự đa dạng hóa địa lý tiếp tục có lợi cho chúng tôi khi các lệnh hạn chế nhập khẩu than Úc của chính phủ Trung Quốc tiếp tục có hiệu lực… Các hoạt động của chúng tôi tại Mỹ tiếp tục đưa nguồn cung than vào Trung Quốc với giá trị lô hàng tăng lên mức kỷ lục”.
Quan hệ Úc - Trung đã xấu đi kể từ khi chính quyền Canberra hồi đầu năm ngoái kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19, hưởng ứng những cáo buộc của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến Bắc Kinh giận dữ. Ngoại trưởng Úc Marise Payne là người đã xuất hiện trên đài truyền hình địa phương, kêu gọi một cuộc điều tra độc lập với Tổ chức Y tế Thế giới WHO về nguồn gốc dịch bệnh khi ổ dịch Covid-19 đầu tiên được báo cáo tại một khu chợ ở Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc sau đó đã đưa ra hàng loạt động thái đáp trả bao gồm áp thuế bán phá giá yến mạch Úc lên tới 80,5%, đồng thời cấm nhập khẩu thịt bò từ hai công ty chế biến thịt hàng đầu đất nước. Tiếp sau đó, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Úc như gỗ, than… cũng gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc. Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than từ Úc kể từ quý IV/2020, khi quan hệ Bắc Kinh - Canberra rạn nứt.
BHP Group, một trong những nhà sản xuất than lớn nhất nước Úc hồi đầu tuần này cho biết họ dự báo lệnh cấm nhập khẩu than Úc sẽ được phía Trung Quốc duy trì trong vài năm.
Giá than luyện kim đã tăng trong năm nay khi nhu cầu thép toàn cầu tăng vọt nhờ đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Giá than luyện kim bình quân của Coronado trong quý II/2021 là 105 USD/ tấn, tăng 11% so với quý trước đó.
Không riêng Mỹ, một số nhà sản xuất tại các quốc gia khác cũng đang được hưởng lợi từ lệnh cấm nhập khẩu than Úc của Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều than hơn từ Nga, Mông Cổ và Indonesia; với tổng lượng than nhập khẩu đạt mức cao kỷ lục 304 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2019, theo Fitch Ratings.
Tờ SCMP hồi tháng 3 dẫn lời các nhà phân tích cho hay Nga đang đặt mục tiêu tăng xuất khẩu than sang Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách đa dạng hóa nguồn cung than khi căng thẳng với Canberra leo thang. “Nga rõ ràng đang tích cực thúc đẩy vị thế thế chân than nhập khẩu từ Úc. Đà tăng của giá dầu cũng có lợi cho Nga. Nhìn chung, các xu hướng gần đây đều mang đến tin tốt cho Nga. Nhưng điều này cũng mang ý nghĩa Nga đang ngày càng gia tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong dài hạn, đây là một tin xấu” - nhà kinh tế trưởng Alicia García-Herrero từ Natixis cho hay.