Trung Quốc ngừng mua, giá ốc hương giảm sâu suốt 6 tháng
Theo người nuôi, đây mức giá thấp và chưa bao giờ giữ ở mức thấp như thế trong thời gian dài.
Giá giảm sâu, kéo dài
Chúng tôi có mặt tại vùng nuôi ốc hương xã Cam Thịnh Đông (TP Cam Ranh) - một trong những vùng nuôi ốc lớn nhất tỉnh Khánh Hòa với diện tích hàng chục hecta. Đi đến đâu, người nuôi cũng than vãn vì ốc hương rớt giá thê thảm.
Theo người nuôi, giá ốc hương bắt đầu giảm từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm nay khi Trung Quốc ngừng hẳn nhập khẩu tiểu ngạch. Cụ thể, từ ở mức 180 - 200 ngàn đ/kg, còn 135 ngàn đồng/kg (size từ 120 - 150 con/kg). Đây là mức giá thấp và chưa bao giờ giữ ở mức giá thấp kéo dài đến 6 tháng liền không nhích lên.
Anh Trần Đức Văn, phường Cam Linh (TP Cam Ranh) đang nuôi ốc hương tại thôn Hiệp Thanh, xã Thịnh Đông, cho biết, thông thường giá ốc hương thương phẩm dao động ở mức trung bình từ 180 - 200 ngàn đồng/kg. Có thời điểm giá ốc lên tới 280 - 300 ngàn đồng/kg và cũng có thời điểm giá ốc rớt xuống thấp thường rơi vào tháng mưa bão. Như vào tháng 11 năm ngoái giá ốc xuống dưới 130 ngàn đồng/kg. Nhưng giá này chỉ duy trì trong thời gian ngắn khoảng 1 tháng, rồi tăng mạnh sau đó lên đến trên dưới 200 ngàn đồng/kg.
“Nhưng năm nay giá ốc xuống thấp không theo quy luật và giữ mức thấp trong thời gian dài khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Với giá ốc hiện nay người nuôi khó lãi, trong khi chi phí đầu tư nuôi ốc ngày càng tăng cao. Nếu nuôi bị hao hụt từ 40 - 50% sản lượng là cầm chắc thua lỗ. Mà trong nuôi ốc việc hao hụt diễn ra thường xuyên, có ao nuôi hao đến 50% và mất trắng”, anh Văn chia sẻ.
Cùng quan điểm anh Văn, ông Lê Hồng, ở thôn Hiệp Thanh, bộc bạch: Để nuôi 3.000m2 ốc hương (diện tích cơ bản nhất), người nuôi thả từ 2 - 3 triệu giống. Nếu nuôi thuận lợi, từ khi nuôi đến khi thu hoạch mất khoảng 6 tháng, tất cả chi phí trên dưới 1 tỷ đồng (tùy người nuôi).
Vì vậy, trước đây với giá ốc ở mức trung bình từ 180 - 200 ngàn đồng/kg, dù nuôi ốc bị hao hụt đến 50%, người nuôi vẫn còn gỡ gạc và liều thả nuôi. Còn với giá ốc hiện tại, người nuôi không dám mạo hiểm thả nuôi, vì rủi ro trong nuôi ốc là rất lớn, chỉ cần sơ sẩy là mất tiền tỷ. Do đó sau khi người nuôi thu hoạch ốc xong đã tạm dừng thả nuôi và chuyển dần diện tích nuôi tôm, cá mú lai.
Vấn đề này, ông Lê Hữu Ngạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thịnh Đông xác nhận và cho biết, hiện diện tích ốc hương trên địa bàn chỉ còn khoảng 40ha, giảm gần nửa so với trước đây. Do giá ốc giảm sâu và kéo dài nên nhiều hộ nuôi thu hoạch thua lỗ.
Đâu là nguyên nhân?
Theo tìm hiểu PV, lâu nay cùng với tôm hùm, ốc hương của nước ta chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Thế nhưng từ đầu năm nay Trung Quốc đã siết chặt đường tiểu ngạch, điều này đã khiến ốc hương ứ đọng, rớt giá.
Một DN chuyên thu mua và XK ốc hương sang thị trường Trung Quốc ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) xác nhận vấn đề trên và cho biết, phía Trung Quốc đang muốn Việt Nam phải XK thủy hải sản bằng đường chính ngạch, để truy xuất nguồn gốc. Song, hiện mặt hàng ốc hương đi chính ngạch bị nhiều rào cản vì chưa đáp ứng các yêu cầu của thị trường này.
“Hiện các DN XK mặt hàng ốc hương bằng đường tiểu ngạch như trước đây là rất khó, vì Trung Quốc bắt bớ và xử phạt rất nghiêm. Hơn nữa chi phí giờ đi được hàng tiểu ngạch tăng gấp nhiều lần. Cụ thể, nếu như trước đây một thùng xốp đựng từ 35 - 50kg ốc hương, các DN phải chi khoảng 340 ngàn đồng, nhưng nay phải tăng gấp 5 lần, nhưng rủi ro rất cao. Như vừa qua có 23 chủ buôn ốc bị bắt do đi đường tiểu ngạch. Điều này khiến nhiều chủ buôn ốc khác phải tạm nghỉ và một số khác phải giảm thu mua số lượng ốc có hạn…”, đại diện DN này chia sẻ.
Liên quan về việc ốc hương rớt giá, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cũng đã thông báo cho các địa phương và người nuôi biết. Ông Võ Nam Thắng, PGĐ Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết thêm, thị trường Trung Quốc đã có những yêu cầu nghiêm ngặt đối với các mặt hàng nhập khẩu, siết chặt việc nhập khẩu thương mại nông thủy sản qua đường tiểu ngạch, thắt chặt kiểm tra an toàn thực phẩm đối với nông thủy sản xuất khẩu qua đường chính ngạch.
Trong khi đó nhiều doanh nghiệp thu mua ốc hương, tôm hùm… trên địa bàn tỉnh vốn quen với việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Nhưng các doanh nghiệp này hầu hết chưa đáp ứng quy định của thị trường Trung Quốc.
Từng bước tháo gỡ
Trước tình hình trên, để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông thủy sản trong tỉnh, qua đó hướng tới xuất khẩu bền vững nông thủy sản nói chung và ốc hương nói riêng tại địa phương, vừa qua Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp.
Ông Võ Nam Thắng, PGĐ Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đến các cơ sở nuôi trồng thủy sản, thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản nắm được các quy định của các thị trường, đặc biệt là quy định về an toàn thực phẩm, để từ đó đáp ứng đầy đủ các quy định của thị trường XK. Tránh trình trạng đưa hàng qua các cửa khẩu khi chưa đáp ứng các quy định của thị trường XK.
Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện nuôi đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nuôi an toàn, hỗ trợ chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Và, theo kế hoạch, năm 2020 Sở sẽ chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình chuỗi cung cấp thủy sản nuôi (ốc hương, tôm hùm) an toàn theo VietGAP.
Còn về phía các doanh nghiệp XK, theo ông Thắng, quy định của thị trường Trung Quốc, với mặt hàng thủy sản, phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong danh sách được phép xuất khẩu do Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) công nhận; từng lô hàng phải có chứng thư do đơn vị thuộc Nafiqad cấp. Để được cấp chứng thư, các lô hàng phải lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh và hóa học theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu, trong đó yêu cầu rất nghiêm ngặt đối với các chỉ tiêu kháng sinh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 3 doanh nghiệp được Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Trung bộ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (mã cod XK) để xuất khẩu ốc hương cũng như tôm hùm và đã gửi danh sách qua phía Trung Quốc. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp này vẫn chưa có tên trong danh sách cơ sở được phép XK sang Trung quốc. Do đó vẫn chưa có lô hàng nào được XK sang thị trường Trung Quốc từ 3 doanh nghiệp này.
Theo Sở NNPTNT Khánh Hòa, tính đến 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh thả nuôi khoảng 665 ha ốc hương, tập trung tại huyện Vạn Ninh, TP Cam Ranh và TX Ninh Hòa, với tổng sản lượng khoảng 1.610 tấn. Theo người nuôi, nếu giá ốc hương ổn định từ 180 - 200 ngàn đ/kg, trung bình 3.000m2, thả 2 triệu con giống, nếu nuôi hiệu quả sản lượng thu hoạch hơn 10 tấn, sau khi trừ chi phí lãi trên dưới 1 tỷ đồng. |