Trung Quốc nhập khẩu chậm lại một mặt hàng quan trọng của Việt Nam

25/10/2021 14:19 GMT+7
Nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc có xu hướng chậm lại khi giảm tháng thứ tư liên tiếp (so với cùng kỳ năm 2020) vào tháng 9/2021.
Trung Quốc nhập khẩu chậm lại một mặt hàng quan trọng của Việt Nam  - Ảnh 1.

Nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc có xu hướng chậm lại khi giảm tháng thứ tư liên tiếp (so với cùng kỳ năm 2020) vào tháng 9/2021. Nguồn BTC

Đà tăng giá cao su sẽ bị hạn chế bởi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc

Trong 10 ngày giữa tháng 10/2021, giá cao su tại thị trường châu Á phục hồi nhẹ, cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 11/2021 ở mức 212,4 Yên/kg (tương đương 1,86 USD/kg), tăng 3,1% so với 10 ngày trước đó, nhưng vẫn giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Giá cao su tại Nhật Bản hồi phục nhẹ, nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại giá năng lượng tăng cao có thể dẫn tới hoạt động sản xuất chậm lại và sự phục hồi kinh tế toàn cầu có thể gặp khó khăn.

Tại sàn SHFE Thượng Hải, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 11/2021 giao dịch ở mức 13.705 NDT/tấn (tương đương 2,13 USD/tấn), tăng 1,3% so với 10 ngày trước đó và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc nhập khẩu chậm lại một mặt hàng quan trọng của Việt Nam  - Ảnh 2.

Diễn biến giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 11/2021 tại sàn SHFE từ đầu tháng 9/2021 đến nay (ĐVT: NDT/tấn). Nguồn: shfe.com.cn

Tại Thái Lan, sau khi tăng lên mức cao nhất 2 tháng vào ngày 12/10/2021 (lên mức 59 Baht/kg), giá cao su quay đầu giảm, nhưng vẫn cao hơn so với 10 ngày trước đó. Hiện giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 57,4 Baht/kg (tương đương 1,71 USD/kg), tăng 2,7% so với 10 ngày trước đó, nhưng vẫn giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong ngắn hạn, giá cao su dự báo sẽ có chiều hướng đi lên do giá dầu tăng cao và nguồn cung cao su khan hiếm do sản lượng tại các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đà tăng sẽ bị hạn chế bởi nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc có xu hướng chậm lại. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 9/2021, nhập khẩu cao su của Trung Quốc chỉ đạt 615 nghìn tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, giảm 29% về lượng và giảm 4,5% về trị giá so với tháng 9/2020, tháng giảm thứ 4 liên tiếp. Lũy kế 9 tháng năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 4,96 triệu tấn cao su, trị giá 8,85 tỷ USD, giảm 7,6% về lượng, nhưng tăng 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc vẫn thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng

Trong 10 ngày giữa tháng 10/2021, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước tăng trở lại, hiện giá mủ cao su tiểu điền được các doanh nghiệp thu mua dao động quanh mức 290-340 đồng/độ mủ. Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 295-335 đồng/ độ mủ, tăng 10 đồng/độ mủ so với 10 ngày trước đó. Tại Bình Dương giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa thu mua ở mức 338- 340 đồng/độ mủ, tăng 10 đồng/độ mủ so 10 ngày trước đó. Dự báo trong ngắn hạn, giá cao su sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt 350 đồng/độ mủ, nguyên nhân chủ yếu do giá dầu đang tăng cao, nguồn cung cao su khan hiếm do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trung Quốc nhập khẩu chậm lại một mặt hàng quan trọng của Việt Nam  - Ảnh 3.

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2019-2021. Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam

Tháng 9/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2021, xuất khẩu cao su đạt 180,68 nghìn tấn, trị giá 299,03 triệu USD, giảm 4,8% về lượng và giảm 4% về trị giá so với tháng 8/2021; so với tháng 9/2020 giảm 12% về lượng, nhưng tăng 12,9% về trị giá. Lũy kế 9 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su đạt 1,28 triệu tấn, trị giá 2,15 tỷ USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 51,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 9/2021, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam bình quân ở mức 1.655 USD/tấn, tăng 0,8% so với tháng 8/2021 và tăng 28,4% so với tháng 9/2020.

Trung Quốc nhập khẩu chậm lại một mặt hàng quan trọng của Việt Nam  - Ảnh 4.

Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2019-2021. Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Tháng 9/2021, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 68,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 123,01 nghìn tấn, trị giá 199,25 triệu USD, giảm 9,9% về lượng và giảm 10,2% về trị giá so với tháng 8/2021; so với tháng 9/2020 giảm 26,3% về lượng và giảm 7% về trị giá. 

Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức 1.620 USD/tấn, giảm 0,3% so với tháng 8/2021, nhưng tăng 26,2% so với tháng 9/2020. Lũy kế 9 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 901,73 nghìn tấn cao su, trị giá 1,45 tỷ USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Tháng 9/2021, trong khi xuất khẩu cao su của ta sang thị trường Trung Quốc giảm thì xuất khẩu sang một số thị trường tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Cộng Hoà Séc, Canada…

Trung Quốc nhập khẩu chậm lại một mặt hàng quan trọng của Việt Nam  - Ảnh 5.

Thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 9 và 9 tháng năm 2021. Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Bộ Công Thương dự báo Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng từ nay cho tới tháng 11/2021. Trong đó, khoảng 115.000 tấn được đáp ứng từ nguồn cung nội địa. Từ tháng 7 tới tháng 11 là giai đoạn cao điểm của sản xuất cao su tại Trung Quốc, tuy nhiên quốc gia này vẫn thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng. 

Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 1,7 triệu tấn cao su tự nhiên để bù đắp mức thiếu hụt dự kiến từ tháng 9 đến tháng 12/2021 và thêm 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2022. Việc Trung Quốc nhập khẩu chậm lại mặt hàng cao su sẽ chỉ diễn ra tạm thời, các doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin để điều tiết, đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục