Một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc còn tồn kho rất ít
Thiếu hụt nguyên liệu sắn khá nghiêm trọng
Bộ Công Thương cho biết, nguồn sắn lát tồn kho vụ 2020/21 của Việt Nam còn rất ít. Mặc dù giá nội địa giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức khá thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh sắn lát.
Trong 10 ngày giữa tháng 10/2021, do ảnh hưởng của cơn bão số 7 và số 8 cùng với gió mùa Đông Bắc, nhiều nhà máy khu vực Bắc Trung Bộ và phía Bắc dừng chạy máy, hoặc chạy không đều vì thiếu nguyên liệu.
Dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu từ Campuchia và Lào về Việt Nam, làm gia tăng sự thiếu hụt lượng sắn củ tươi cung cấp cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn.
Trong nước, việc thiếu hụt nguyên liệu tồn kho thấp còn do năng suất sắn bình quân của cả nước còn thấp, giá thành đầu vào cao do chưa hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn. Bên cạnh đó, chưa có bộ giống sắn năng suất cao và kháng bệnh tốt, canh tác thiếu bền vững một phần do tập tục canh tác của người dân.
Thời điểm này giá chào bán sắn lát khô của Việt Nam sang Trung Quốc ở mức khoảng 275 USD/tấn, FOB Quy Nhơn. Tinh bột sắn các nhà máy Việt Nam đang chào bán mức giá trong khoảng 475 480 USD/tấn, FOB cảng TP.HCM, do giá thu mua nguyên liệu đầu vào cao. Mức giá này vẫn khả quan cho các đơn vị kinh doanh xuất khẩu sắn.
Xuất khẩu sắn vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 9/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 199,68 nghìn tấn, trị giá 88,07 triệu USD, tăng 5,7% về lượng và tăng 4,9% về trị giá so với tháng 8/2021; so với tháng 9/2020 tăng 8,3% về lượng và tăng 20,9% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 441 USD/tấn, giảm 0,7% so với tháng 8/2021, nhưng tăng 11,6% so với tháng 9/2020. Lũy kế 9 tháng năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,15 triệu tấn, trị giá 856,42 triệu USD, tăng 11,8% về lượng và tăng 26,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tính riêng mặt hàng sắn, tháng 9/2021, xuất khẩu sắn đạt 38,74 nghìn tấn, trị giá 11,17 triệu USD, tăng 50,7% về lượng và tăng 75,9% về trị giá so với tháng 8/2021; so với tháng 9/2020 tăng 126,7% về lượng và tăng 151,8% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân ở mức 288,3 USD/tấn, tăng 16,7% so với tháng 8/2021 và tăng 11,1% so với tháng 9/2020. Lũy kế 9 tháng năm 2021, xuất khẩu sắn đạt 713,56 nghìn tấn, trị giá 183,91 triệu USD, tăng 43,4% về lượng và tăng 62,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 9/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc vẫn là nhiều nhất, chiếm 90,1% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 179,91 nghìn tấn, trị giá 80,5 triệu USD, tăng 0,6% về lượng và tăng 0,9% về trị giá so với tháng 8/2021; so với tháng 9/2020 tăng 5,5% về lượng và tăng 20,3% về trị giá.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 2 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 796,18 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và tăng 29,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Theo Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, tinh bột sắn là sản phẩm được cấp hạn ngạch miễn thuế quan (0%) đứng thứ hai sau lúa gạo, với số lượng là 30.000 tấn/năm (thuế suất nhập khẩu tinh bột sắn vào EU ngoài hạn ngạch là 166 EUR/tấn; sắn củ tươi, sắn đông lạnh cắt lát hoặc không, ngoài hạn ngạch tính thuế là 9,5 EUR/kg).
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu sắn lát khô và tinh bột sắn của Trung Quốc tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Theo đó, Trung Quốc đã nhập khẩu 4,09 triệu tấn sắn lát khô, trị giá 1,13 tỷ USD, tăng 66,2% về lượng và tăng 102,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nhập khẩu tinh bột sắn đạt 2,13 triệu tấn, trị giá 10,43 tỷ USD, tăng 22,4% về lượng và tăng 143% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Thái Lan là thị trường cung cấp sắn lớn nhất cho Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2021, khối lượng sắn lát khô và tinh bột sắn nhập khẩu từ thị trường này lần lượt chiếm 88,6% và 73,6%. Tiếp đến là Việt Nam, với khối lượng sắn lát khô và tinh bột sắn cung cấp cho Trung Quốc lần lượt chiếm 10,7% và 15,5%.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng FTA
Để đẩy mạnh xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam không có cách nào khác là nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế, Trung Quốc hay thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu (cấm biên, đóng/mở nhiều cửa khẩu, danh sách xuất khẩu, thay đổi quy định nhãn mác bao bì, hạn chế số lượng xe qua cửa khẩu, thời gian mở cửa khẩu ít…) gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong đó có ngành sắn.
Hiện nay đã bắt đầu vào vụ sản xuất chính, trong khi chỉ có 2 trên 6 cửa khẩu khu vực Lạng Sơn phía bạn (Trung Quốc) cho hàng tinh bột sắn qua, đó là cửa khẩu: Tân Thanh và Chi Ma (mỗi cửa khẩu chỉ mở khoảng 5 tiếng/ngày); cửa khẩu: Na Hình; Pò Nhùng; Nà Nưa; Cốc Nam (hiện đang đóng phía Trung Quốc). Các cơ quan chức năng đang kiến nghị với phía Trung Quốc cho mở thêm các cửa khẩu nêu trên và các cửa khẩu đang hoạt động thì cho kéo dài thời gian mở cửa khẩu mỗi ngày.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có văn bản tới Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc đăng ký bã sắn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Các doanh nghiệp ngành sắn cũng cần quan tâm xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký FTA với Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản,... với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các ban ngành liên quan để tận dụng các cơ hội hưởng hạn ngạch thuế quan và mở rộng thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam.