Trung Quốc nuôi lợn "siêu khổng lồ" 500kg đối phó với giá lợn tăng

07/10/2019 11:13 GMT+7
Trong bối cảnh giá thịt lợn tăng vọt gần gấp đôi do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, nông dân Trung Quốc giờ đây đang tiếp cận với giống lợn “siêu to siêu khổng lồ” với hy vọng làm giảm “cơn khát thịt lợn” và lạm phát giá lợn trong nước.
Trung Quốc nuôi lợn 500kg "siêu to siêu khổng lồ" để đối phó với lạm phát giá lợn - Ảnh 1.

Trung Quốc đang thiếu hụt nguồn cung thịt lợn sau cơn sốt dịch tả lợn Châu Phi

Trong chuyến thăm gần đây tới các trang trại chăn nuôi lớn vùng Sơn Đông, Hà Bắc và Hà Nam, Phó Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc - ông Hồ Xuân Hoa kêu gọi chính quyền địa phương đẩy mạnh khuyến khích chăn nuôi lợn với mục tiêu bình ổn giá lợn vào năm 2020. Tuy nhiên, do hệ quả của dịch tả lợn, giá lợn giống và lợn nái hiện rất đắt đỏ. Do đó, thay vì tăng quy mô đàn lợn, người nông dân thường lựa chọn tăng trọng lượng lợn nuôi.

Trong một trang trại lợn ở Nam Ninh, Trung Quốc; bạn có thể bắt gặp những con lợn với kích cỡ tương đương gấu Bắc Cực. Mỗi con lợn trưởng thành có trọng lượng bình quân khoảng 500kg và giá xuất chuồng lên tới 10.000 NDT (khoảng 1.400 USD), gấp gần 3 lần thu nhập bình quân đầu người hàng tháng của địa phương.

Mặc dù việc nuôi lợn siêu to siêu khổng lồ có thể chưa phải là giải pháp giải quyết vấn đề thiếu cung thịt lợn trong ngắn hạn, nhưng ý tưởng đó thể hiện nỗ lực của người nông dân trong việc kiềm chế lạm phát giá tiêu dùng tại Trung Quốc. 

Trung Quốc nuôi lợn 500kg "siêu to siêu khổng lồ" để đối phó với lạm phát giá lợn - Ảnh 2.

Lạm phát giá lợn khiến người Trung Quốc tăng nuôi giống lợn siêu khổng lồ

Loài lợn khổng lồ này đang được nhân giống rộng rãi trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang cướp đi của Trung Quốc tới 60% tổng quy mô đàn lợn trên cả nước. Một số ước tính của chính phủ Trung Quốc mới đây cho thấy giá lợn đã đạt mức kỷ lục, thúc đẩy lạm phát thực phẩm tăng phi mã. Do đó, Bắc Kinh đã tung nhiều biện pháp kích thích người dân tăng cường chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thịt trong thời điểm Tết Nguyên đán gần kề.

Tại một số địa phương khác như tỉnh Cát Lâm vùng Đông Bắc Trung Quốc, nông dân chưa làm quen với giống lợn "siêu to siêu khổng lồ" ở Nam Ninh, nhưng họ cũng nỗ lực nuôi lợn đến trọng lượng lớn hơn. Thông thường vài năm trước, lợn Cát Lâm sẽ xuất chuồng khi đạt trọng lượng khoảng 125kg. Nhưng giờ đây, nông dân sẽ nuôi tới trọng lượng tối đa là 175-200kg. "Chúng tôi muốn nuôi lợn lớn nhất có thể" - ông Zhao Hailin, một nông dân sở hữu nông trại nuôi lợn ở Cát Lâm cho hay.

Xu hướng nuôi lợn khổng lồ cũng được các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi ủng hộ. Wens Foodstuffs, Cofco Meat và Beijing Dabeinong Technology - 3 trong số những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Trung Quốc đều cho hay họ đang nỗ lực nghiên cứu các dòng sản phẩm tăng trọng lượng bình quân của lợn.

Lin Guofa, nhà phân tích cao cấp từ công ty tư vấn Nông nghiệp Bric Agriculture Group thống kê rằng các trang trại lớn của Trung Quốc đang đặt mục tiêu nâng trọng lượng lợn lên bình quân 14%. Tại các lò mổ quy mô lớn, trọng lượng bình quân của lợn khi giết mổ đã tăng từ 110kg hồi năm ngoái lên 140kg, qua đó tăng doanh thu lên 30%.

Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa cũng cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cơn thiếu hụt nguồn cung lợn từ nay cho đến hết nửa đầu năm 2020, với khối lượng thiếu hụt lên tới 10 triệu tấn, nhiều hơn cả khối lượng thịt lợn xuất khẩu trên toàn cầu. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc - nhà xuất khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới - chỉ có thể tăng sức sản xuất nội địa để khống chế lạm phát giá lợn.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục