TS Cấn Văn Lực: Thông tư 02, 03 "cứu cánh" cho doanh nghiệp, ngân hàng và trái phiếu
Chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có báo cáo Đánh giá nhanh tác động của Thông tư 02 và 03 ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đánh giá chung, hai Thông tư trên có thể giúp ngăn gia tăng nợ xấu nội bảng, tăng khả năng tiếp cận vốn của DN, của bên vay, hỗ trợ thanh khoản, khó khăn của thị trường TPDN qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, dòng vốn cho DN, người dân, duy trì SXKD, đầu tư, tiêu dùng, tạo dòng tiền mới...
TS Lực và cộng sự phân tích, đối với doanh nghiệp và bên vay, Thông tư 02 giúp các doanh nghiệp, bên vay giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới, giúp doanh nghiệp, bên vay có nguồn vốn duy trì SXKD, đầu tư, tiêu dùng, qua đó góp phần phục hồi và phát triển KTXH năm 2023 và tiếp theo.
Đối với Thông tư 03, vì có hiệu lực từ nay đến hết năm 2023, nên cho phép các TCTD được mua lại TPDN đã bán trước đó. Điều này sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp phát hành TPDN có dòng tiền để xử lý một phần lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023, qua đó DN có thể dùng nguồn vốn đang có để duy trì SXKD, đầu tư, tiêu dùng, vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi và phát triển KTXH.
Đối với các Tổ chức tín dụng, nhóm nghiên cứu chỉ ra Thông tư 03 cho phép họ cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ đối với một số DN, bên vay với điều kiện và thời hạn nêu trên, qua đó góp phần giảm một phần áp lực nợ xấu và duy trì cho vay đối với DN, bên vay được cơ cấu lại.
Theo TS Lực, hiện các TCTD đang tích cực đánh giá phạm vi cơ cấu lại nợ sơ bộ để có phương án phù hợp. Điểm khác biệt lớn là lần này nợ cơ cấu lại bao gồm cả các khoản vay tiêu dùng, nên qui mô cơ cấu lại có thể lớn hơn giại đoạn dịch Covid-19.
Tuy nhiên, vì hai Thông tư chỉ có hiệu lực ngắn, hết năm 2023 (Thông tư 03) hay đến giữa năm 2024 (Thông tư 02). Vì vậy, sau này thị trường sẽ phụ thuộc vào sự vận động, linh hoạt, thích ứng, sản xuất kinh doanh hiệu quả của mỗi doanh nghiệp, bên vay được cơ cấu lại hay được mua lại trái phiếu doanh nghiệp…v.v.
"Nếu doanh nghiệp không tự tái cơ cấu, rủi ro nợ xấu có thể tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, bên vay và các tổ chức tín dụng", ông Lực nêu.
TS Lực và nhóm chuyên gia của BIDV nêu 6 giải pháp, trong đó có đề cập đến việc các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quyết tâm, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023; các chỉ thị, nghị quyết, nghị định gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cùng với việc tiếp tục bám sát tình hình; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để có kịch bản ứng phó phù hợp…
Bên cạnh đó, cần tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (nhất là thị trường tài chính, bất động sản) nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư và người dân. Các trung tâm kinh tế như TP.HCM, Hà Nội…cần phát huy tốt hơn vai trò đầu tàu, lan tỏa và kết nối của mình.
TS Lực và cộng sự cho rằng, các bộ ngành và địa phương cần quyết tâm đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi và giải ngân đầu tư công; tiếp tục chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, vừa hỗ trợ giải tỏa vốn ngân sách tồn đọng, nợ đọng giữa các DN với nhau, vừa góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng năm 2023 và lâu dài.
"Chính sách tài khóa tiếp tục là chủ đạo, với cách tiếp cận là mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, đúng chỗ, đúng lúc mới đảm bảo cùng trợ lực cho DN, người dân và giúp chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả tốt hơn. Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, vừa giảm lãi suất hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng, vừa giữ lạm phát trong tầm kiểm soát", TS Cấn Văn Lực cho hay.