TS Lê Xuân Nghĩa: Dùng biện pháp thương mại xóa bỏ chênh lệch giá và "hạ nhiệt" giá vàng

17/04/2024 07:00 GMT+7
Giá vàng liên tiếp lập đỉnh "chưa từng có" trong thời gian qua. TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn hạ nhiệt giá vàng và xóa bỏ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế nên dùng các biện pháp thương mại, không nhất thiết phải dùng đến các biện pháp tiền tệ như đấu thầu vàng.
TS Lê Xuân Nghĩa: Dùng biện pháp thương mại xóa bỏ chênh lệch giá và

TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế.

Thưa TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, giá vàng thời gian qua có những biến động mạnh. Theo ông, đâu là vấn đề cần lưu tâm?

- Vấn đề cần lưu ý đối với thị trường vàng hiện nay đó là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế. Trong suốt thời gian qua, mức độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới rất lớn, có những lúc lên tới 30% của giá vàng. Điều này rất phi lý.

Vậy đâu là nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng trên, thưa ông?

- Đó là vì dòng thương mại bị cắt đứt. Lâu nay chúng ta không nhập khẩu vàng miếng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn có. Theo thống kê của Hội đồng vàng thế giới, mỗi năm, Việt Nam sản xuất đâu đâu đó khoảng 600 kg vàng, trong khi nhu cầu có thể lên tới 50 tấn vàng. Cung thấp hơn nhiều so với cầu, như vậy để bù đắp nhu cầu này, người ta phải nhập lậu vàng hoặc là tăng giá vàng lên. Đây là chuyện đương nhiên của thị trường.

Để hạ nhiệt giá vàng và thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ đấu thầu vàng ngay trong tuần này. Ông đánh giá thế nào về động thái này?

-Tôi cho rằng, muốn hạ nhiệt giá vàng và xóa bỏ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, đơn giản nhất là dùng các biện pháp thương mại, không cần thiết phải dùng đến các biện pháp tiền tệ như đấu thầu vàng.

Tất nhiên, việc tổ chức đấu thầu vàng có thể sẽ có tác động tâm lý ngắn hạn với thị trường, song căn cơ nhất, dài hạn nhất và thông lệ quốc tế nhất là phải cho xuất nhập khẩu vàng tự do, sản xuất kinh doanh vàng tự do và quản lý bằng công cụ thuế. Hay nói cách khác, chúng ta cho phép một số công ty kinh doanh vàng có đủ điều kiện tự xuất nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức. Chúng ta sẽ dùng công cụ mạnh nhất của Chính phủ để xử lý đó là thuế.

Hải quan của Việt Nam hiện đã là hải quan điện tử. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu vàng. Điều này sẽ tạo ra sự minh bạch cho thị trường vàng trong nước. Đây cũng là biện pháp mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, vì vậy thị trường vàng thế giới nói chung rất minh bạch.

TS Lê Xuân Nghĩa: Dùng biện pháp thương mại xóa bỏ chênh lệch giá và

Ngay nội tại thị trường vàng trong nước cũng có "vênh" lớn giữa giá vàng SJC và vàng 9999 khác. Ông bình luận thế nào về vấn đề này?

- Thực tế, chất lượng của các sản phẩm vàng này không chênh lệch, nhưng ở đây lại có sự chênh lệch lớn về giá vàng 9999 và giá vàng SJC. Tôi cho rằng, sự chênh lệch này là chênh lệch về thương hiệu. Nguyên nhân, vì SJC hiện là thương hiệu độc quyền của Ngân hàng Nhà nước.

Để xóa bỏ khoảng cách này, tôi cho rằng, nên trả lại cho SJC thương hiệu của họ và để cho họ kinh doanh bình thường như là các hãng kinh doanh khác. Như vậy chúng ta có một thị trường vàng hoàn toàn ổn định. Tôi cũng phải lưu ý rằng, trên thế giới chỉ có Việt Nam là Ngân hàng Nhà nước độc quyền vàng.

Quay trở lại với việc nhập khẩu vàng như đề xuất của ông. Điều mà nhiều người lo lắng đó là, nếu mà cho xuất nhập khẩu vàng, lấy đâu ra ngoại tệ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay áp lực tỷ giá vẫn đang rất lớn?

- Thực tế, nếu không cho nhập khẩu vàng, buôn lậu vàng cũng phải lấy ngoại tệ từ Việt Nam. Hơn nữa, khối lượng ngoại tệ sử dụng để mà xuất nhập khẩu vàng theo tôi "không đáng bao nhiêu". Chúng tôi tính toán, nhập khẩu vàng chỉ cần khoảng 3 tỷ USD, "không có ý nghĩa gì" nếu so với hàng chục tỷ USD nhập khẩu các nguyên liệu khác. Do đó, theo tôi nên để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bình thường.

Cũng phải nói thêm rằng, giá vàng hiện nay chủ yếu chịu tác động mạnh từ động thái mua gom vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tôi cho rằng, lẽ ra Việt Nam cũng nên nghiên cứu để mua vàng dự trữ, thay vì mang vàng dự trữ ra đấu thầu để bình ổn thị trường. Đó là cách làm ngắn hạn nhưng không phải là cách làm bài bản.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục