TT-Huế: Doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn vay ưu đãi, đề nghị giảm lãi suất vay
Ngày 21/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở KHĐT tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các hội, câu lạc bộ doanh nghiệp tổ chức Hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, đến 31/12/2022, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 60.457 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối năm 2021. Dư nợ cấp tín dụng đạt 74.273 tỷ đồng, tăng 17,36% so với cuối năm 2021, đạt 124% kế hoạch đề ra. Nợ xấu nội bảng ở mức 450 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 0,61%.
Về tín dụng đối với doanh nghiệp, đến cuối tháng 1/2023, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp là 28.062 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38% tổng dư nợ. Trong đó dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.275 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50,9% trong tổng dư nợ đối với doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Qua đó, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 1.990 khách hàng, trong đó có 147 doanh nghiệp; miễn, giảm, hạ lãi suất đối với 52.752 khách hàng với tổng dư nợ là 24.850 tỷ đồng... Các ngân hàng đã tích cực tiết giảm chỉ phí, giảm lãi suất cho vay, giảm phí giao dịch và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng. Các doanh nghiệp đưa ra các kiến nghị về việc cần có cơ chế thích ứng linh hoạt, điều chỉnh một số điều kiện để tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi chính sách, nâng hạn mức cho vay và giảm lãi suất vay vốn…
"Về lãi suất, năm ngoái đến bây giờ vẫn chưa được hạ. Có những doanh nghiệp hiện nay vẫn trên 15%-16%. Với cá nhân, kinh doanh cá thể, đáng lẽ Ngân hàng phải giảm lãi cho họ vì họ mới khởi nghiệp nhưng hiện tại họ vẫn vay như vậy. Có những chị bây giờ đã thẩm định mà chưa vay, lãi đến 13%. Cho nên, đề nghị Ngân hàng cũng nên điều chỉnh lại một chút", bà Đặng Thị Dương- Giám đốc Công ty TNHH Volga Việt Nga, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ Thừa Thiên Huế nêu ý kiến.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết: Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, doanh nghiệp cần vốn, trong đó chủ đạo hiện nay là vốn tín dụng ngân hàng để mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông qua hoạt động cho vay, cung cấp các dịch ngân hàng cho doanh nghiệp, ngân hàng cũng có được nguồn thu nhập đáng kể. Do đó, ngân hàng và doanh nghiệp luôn phải đồng hành với nhau trong quá trình phát triển.
Theo ông Phan Quý Phương, hội nghị là dịp để lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành, hệ thống ngân hàng trên địa bàn và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau lắng nghe, chia sẻ, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn về vốn mà doanh nghiệp đang còn gặp phải để góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo các sở ban ngành ở tỉnh nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh những nội dung, chương trình, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tiếp tục đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp để công tác hỗ trợ doanh nghiệp sớm đi vào chiều sâu và đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa các ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023 với tổng số tiền 841 tỷ đồng.