Từ 1/11/2020: Bắt đầu lấy vân tay trên toàn quốc để làm Căn cước công dân gắn chip

22/10/2020 07:10 GMT+7
Điểm nổi bật của dự án Căn cước công dân gắn chip là sẽ thay đổi cách thức thu thập vân tay. Dự kiến ngày 1/11/2020, Bộ Công an sẽ tổ chức đồng bộ lấy vân tay theo phương thức mới trên toàn quốc.

Theo Bộ Công an, điểm nổi bật của dự án Căn cước công dân gắn chip là sẽ thay đổi cách thức thu thập vân tay. Dự kiến ngày 1/11/2020, Bộ Công an sẽ tổ chức đồng bộ lấy vân tay theo phương thức mới trên toàn quốc; sử dụng thẻ chíp điện tử đảm bảo tính bảo mật cao và tốc độ xử lý nhanh hơn, tích hợp được nhiều tiện ích trong quá trình sử dụng. Căn cước công dân gắn chip được thiết kế mở có thể tích hợp nhiều công nghệ nhận dạng hiện đại trong tương lai.

Còn dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đến nay đã thu thập được trên 90% phiếu thu thập thông tin dân cư và cập nhật được gần 7 triệu phiếu cập nhật thông tin dân cư. Hiện nay, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư đã được xây dựng tại Hà Nội và TPHCM.

Đại diện Bộ Công an cho biết, chip sử dụng trên thẻ Căn cước công dân gắn chip tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chíp có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.

Từ 11/2020: Bắt đầu lấy vân tay trên toàn quốc để làm Căn cước công dân gắn chip - Ảnh 1.

Mẫu căn cước gắn chíp điện tử

Chip có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.

Khi đề xuất sử dụng Căn cước công dân gắn chip điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp; phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, đảm bảo bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội.

Đến 1/7/2021 sẽ hoàn thành 50 triệu thẻ căn cước công dân trên toàn quốc. Toàn bộ dự án căn cước công dân gắn chip ước 2.800 tỉ đồng.

Việc cấp thẻ căn cước công dân bắt đầu được thực hiện từ năm 2016, đến nay mới triển khai được ở 16 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình.

Cách đây không lâu, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã có văn bản đề nghị 16 địa phương dừng việc tuyên truyền cấp đổi Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân để chờ triển khai cấp thẻ Căn cước công dân có gắn chip (dự kiến bắt đầu từ tháng 11/2020).


PV
Cùng chuyên mục