Từ ùn ứ nông sản sang Trung Quốc: 'Đừng xem thị trường nội địa là thị trường giải cứu'

31/12/2021 17:18 GMT+7
Đừng xem thị trường nội địa là là thị trường giải cứu nông sản. Một số nghiên cứu từng khuyến cáo, Việt Nam cần chú trọng thị trường nội địa nhưng hình như trong con mắt bà con nông dân luôn coi thị trường nội địa là để bán những sản phẩm không thể xuất khẩu.

Đó là nhấn mạnh của bà Phạm Chi Lan, nguyên bà Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nay là Liên đoàn Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Từ ùn ứ nông sản sang Trung Quốc: Đừng xem thị trường nội địa là thị trường giải cứu

Không xuất được sang Trung Quốc, mít Thái quay ngược về Hà Nội, chất đống trên vỉa hè bán với giá chỉ 10.000 đồng/kg.

Tại Đồng Nai, hiện thanh long ruột đỏ xuất khẩu đang được thu mua với giá khoảng 30.000 đồng/kg vào tháng trước thì nay rớt chỉ còn 5.000-6.000 đồng/kg.

Xoài Đài Loan trước đang có giá 30.000-35.000 đồng/kg thì nay thương lái tạm ngưng thu mua vì không xuất khẩu được. Giá xoài bán cho thị trường nội địa chỉ còn vài ngàn đồng/kg.

Đó là hệ lụy dễ thấy nhất từ vụ ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, diễn ra trong những ngày gần đây.

Từ ùn ứ nông sản sang Trung Quốc: 'Đừng xem thị trường nội địa là thị trường giải cứu' - Ảnh 1.

Ùn ứ nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: Viết Niệm

Trao đổi với PV Etime, bà Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nay là Liên đoàn Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đây là vấn đề đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng việc ùn ứ nông sản vẫn có xu hướng nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân, theo bà Lan đó là do người dân Việt Nam, nhiều năm qua Trung Quốc liên tục nâng cấp tiêu chuẩn hàng hóa nhập vào thị trường của họ. Trong khi đó, chúng ta gần như chưa có sự chuẩn bị do người sản xuất, ngay cả người quản lý ở những cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vẫn giữ quan niệm thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính có thể tiêu thụ được hàng nông sản của Việt Nam. Chính vì vậy, hàng hóa cứ đến biên giới là ùn ứ.

Từ thực tế kể trên, theo bà Lan, Việt Nam cần sớm tìm ra các thị trường khác để có thể tiêu thụ hàng nông sản tươi, thay thế một phần cho thị trường Trung Quốc. Đây được xem là việc quan trọng cần thiết phải làm nhanh.

Thứ hai, nông nghiệp phải chuyển nhanh sang chế biến sâu "chứ không thể cứ bán tươi mãi như thế được" – theo bà Lan.

Thứ 3, Việt Nam phải coi trọng thị trường nội địa.

"Đừng xem đây là thị trường giải cứu nông sản, ngay từ những báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đưa ra năm 2016, nông nghiệp Việt Nam cần giảm chi phí tăng giá trị, khuyến khích nông nghiệp phát triển theo hướng này và nhấn mạnh cần chú trọng vào thị trường nội địa vì tính ra từ trước đến nay thị trường nội địa vẫn là nơi tiêu thụ 70% nông sản. Người ta khuyến cáo mình chú trọng thị trường nội địa nhưng hình như trong con mắt bà con nông dân của mình luôn coi thị trường nội địa là để bán những sản phẩm không thể xuất khẩu", bà Lan nhấn mạnh.

Từ ùn ứ nông sản sang Trung Quốc: 'Đừng xem thị trường nội địa là thị trường giải cứu' - Ảnh 2.

Bà Phạm Chi Lan nói về ùn ứ nông xuất khẩu sangTrung Quốc. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo vị chuyên gia này, thị trường nội địa hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng vì dân số vẫn tiếp tục tăng, sức tiêu thụ ngày càng tốt hơn, đa dạng phong phú và cũng cao cấp hơn, tại sao lại không dùng thị trường nội địa?

Hơn nữa, khi các doanh nghiệp xuất khẩu khi xuất hàng đi họ phải tuân thủ rất nhiều công đoạn, nếu tiêu thụ tại thị trường nội địa, doanh nghiệp sẽ đỡ tốn chi phí hơn nhiều.

"Xuất khẩu nhiều khi chỉ để lấy danh tiếng hơn là lấy lãi lời thực sự vì đầu tư cho xuất khẩu quá tốn kém, kể cả nâng cấp chuẩn mực hàng hóa lẫn bao bì đóng gói, nhãn hiệu, đăng kí thương hiệu, vận tải, phân phối", nguyên Phó Chủ tịch VCCI nói.

Tư duy kinh tế nông nghiệp

Sâu xa hơn theo bà Lan, giải quyết vấn đề ùn ứ nông sản vẫn là câu chuyện phải thay đổi tư duy.

"Bộ trưởng Lê Minh Hoan hiện đang cổ động cho tư duy làm kinh tế nông nghiệp, chứ không phải sản xuất nông nghiệp là rất đúng, bởi nếu sản xuất thì chỉ lo về sản lượng, chúng ta không tính toán tăng sản lượng tốn kém thêm bao nhiêu, giá trị thu về được bao nhiêu. Chẳng hạn, sản xuất thêm 1 triệu tấn lúa có lợi gì hay là bất lợi hơn, những cái đó lại không tính tới. Do đó bây giờ cần phải thay đổi tư duy làm kinh tế, trước hết là tính tới những lợi ích, hiệu quả đối với những người tham gia chuỗi sản xuất đó, đặc biệt là nông dân. Chứng minh được lợi ích lâu dài của người nông dân thì họ sẽ yên tâm làm việc. Có những nông dân họ rất thông minh, khi họ hiểu được thị trường cần gì nếu làm tốt cho thị trường thì hiệu quả kinh tế được nâng cao như thế nào", bà Lan phân tích.

Nhưng để làm được điều này, vị chuyên gia này cho rằng cần thay đổi tư duy từ các cấp lãnh đạo, đồng thời phải có giải pháp tạo động lực khuyến khích thực sự để người dân thay đổi cách làm hiện nay.

Từ ùn ứ nông sản sang Trung Quốc: 'Đừng xem thị trường nội địa là thị trường giải cứu' - Ảnh 3.

Nhiều loại trái cây ở ĐBSCL đang rớt giá mạnh. Trong ảnh: Một cơ sở thu mua xoài ở Đồng Tháp. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ngoài ra, ngay cả vấn đề liên kết trong thị trường nội địa vẫn còn rất lỏng lẻo, rất cần phải nhanh chóng thay đổi.

"Thị trường nội địa đòi hỏi các khâu trong chuỗi cung ứng phải gắn kết được với nhau để sản phẩm cuối cùng ra được thị trường, đến được bàn ăn của người tiêu dùng tốt hơn thì mới thuận lợi cho thị trường nội địa phát triển. Thời gian vừa qua, việc này thực sự vẫn còn nhiều hạn chế, quản lý nhà nước từ đồng ruộng đến bàn ăn đã có nhiều Bộ tham gia, mà không có Bộ nào chịu trách nhiệm đến cùng. Nhà nước cần xem lại việc phân công trách nhiệm của các cơ quan liên quan ở các khâu trong chuỗi cung ứng đó. Từ đó mới đến tầng doanh nghiệp, doanh nghiệp cung cấp đầu vào cho nông nghiệp họ có trách nhiệm như thế nào, người sản xuất thế nào để làm sao lợi ích của mỗi thành phần trong đó không đi ngược lại với lợi ích của người tiêu dùng, trở thành nhân tố cản trở nông nghiệp", bà Lan nhấn mạnh.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục