Từng "điêu đứng" vì không có đơn hàng, nhóm doanh nghiệp dệt may kinh doanh ra sao?

10/02/2024 07:45 GMT+7
Thống kê cho thấy, kết quả kinh doanh năm 2023 của nhóm doanh nghiệp dệt may niêm yết sụt giảm mạnh so với năm trước. Theo dự báo, ngành dệt may có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2024 và kỳ vọng lợi nhuận gộp doanh nghiệp sẽ dần cải thiện lên mức 14 - 15% do nhu cầu phục hồi chậm xuyên suốt cả năm.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2023 ngành dệt may chịu tác động, lượng hàng hóa tồn kho toàn cầu thách thức rất lớn, làm cho nền công nghiệp dệt may chịu tác động lớn.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Xuất khẩu hàng may mặc ước giảm 3,1 tỷ USD, tương đương 8,9%, xuất khẩu vải ước giảm 186 triệu USD, tương đương 6,9%, xuất khẩu sơ sợi ước giảm 485 triệu USD tương đương 10,3%, xuất khẩu nguyên phụ liệu ước giảm 218 triệu USD, tương đương 16%.

Năm 2023, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi rõ rệt. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh như đồ nỉ, quần short, quần áo trẻ em… Ở chiều ngược lại, các mặt hàng như đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans lại tăng nhanh.

"Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng năm 2023 là năm xuất khẩu dệt may bứt phá về thị trường, chưa năm nào dệt may xuất khẩu vào nhiều thị trường như vậy với 104 thị trường, vùng lãnh thổ", ông Giang cho biết hay.

Trong đó, thị trường lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam vẫn là thị trường Mỹ, trong 9 tháng sản phẩm may mặc xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt trên 11 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 3 tỷ USD, Hàn Quốc là 2,4 tỷ USD, EU là gần 2,9 tỷ USD. Đây là 4 thị trường trọng điểm của ngành dệt may. Tiếp đó, ngành dệt may xuất khẩu sang Canada khoảng 850 triệu USD, Trung Quốc 830 triệu USD, Campuchia hơn 600 USD, Anh 504 triệu USD…

Bức tranh lợi nhuận phân hóa rõ rệt

Dữ liệu thống kê kết quả kinh doanh quý IV/2023 của 11 doanh nghiệp dệt may cho thấy, có 4 doanh nghiệp giảm lãi, 6 doanh nghiệp báo lãi trước thuế tăng trưởng và 1 doanh nghiệp báo lỗ.

Cụ thể, trong quý IV/2023, tổng doanh thu của nhóm doanh nghiệp dệt may ghi nhận 9.669,2 tỷ đồng, tăng 2% so với trung bình cùng kỳ năm 2022 (9.474,3 tỷ đồng). Về kết quả, nhóm doanh nghiệp dệt may theo thống kê báo lãi 587,2 tỷ đồng, tăng 49% so với trung bình cùng kỳ năm 2022 (393,6 tỷ đồng).

Thống kê cho thấy, nhóm doanh nghiệp giảm lãi, bao gồm: EVE giảm 79% còn 6,2 tỷ đồng, TCM giảm 55% còn 33,6 tỷ đồng, PPH giảm 30% còn 63,3 tỷ đồng và TNG giảm 3% còn 70,5 tỷ đồng. Ngoài ra, ghi nhận GMC là doanh nghiệp duy nhất lỗ 7,1 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 82,4 tỷ đồng.

Từng "điêu đứng" vì không có đơn hàng, nhóm doanh nghiệp dệt may kinh doanh ra sao?- Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh quý IV/2023 của nhóm doanh nghiệp dệt may niêm yết.

Các doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng so với cùng kỳ lần lượt là: GIL lãi 105 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần; VGT lãi 190,3 tỷ đồng, tăng 74%; TET lãi 5,2 tỷ đồng, tăng 63%; ADS lãi 10,7 tỷ đồng, tăng 39%; MSH lãi 101,4 tỷ đồng, tăng 34% và TVT "thoát lỗ", báo lãi 8,1 tỷ đồng.

Với cú ngược dòng hoàn thành vượt 74% chỉ tiêu, VGT cho biết, quý IV/2023, Vinatex đã phải nhận những đơn hàng giá thấp. Mặc dù kết quả sản xuất kinh doanh nửa cuối quý IV có cải thiện so với 9 tháng đầu năm. Song, xét hiệu quả cả năm, các đơn vị thành viên của Tập đoàn đều ghi nhận kết quả thấp, khoản đầu tư của Tập đoàn tại một số đơn vị thành viên có giá trị suy giảm so với giá trị đầu tư dấn đến Công ty mẹ Tập đoàn phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính, làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả công ty mẹ.

Còn MSH, doanh nghiệp cho biết, trong kỳ kinh doanh quý IV/2023, doanh nghiệp ký được nhiều đơn hàng hơn và có thêm doanh thu của CTCP Sông Hồng BSS Logictics, dẫn tới doanh thu khởi sắc hơn. Dù chi phí đầu vào tăng nhưng lợi nhuận hoạt động tài chính của công ty tăng, giúp lợi nhuận tăng 34% so với cùng kỳ.

Từng "điêu đứng" vì không có đơn hàng, nhóm doanh nghiệp dệt may kinh doanh ra sao?- Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh năm 2023 của nhóm doanh nghiệp dệt may.

Kết quả năm 2023, 11 doanh nghiệp dệt may ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 38.278,8 tỷ đồng, giảm 15% so với trung bình năm 2022. Lợi nhuận trước thuế cả năm ở mức 1.744,9 tỷ đồng, giảm 51% so với trung bình năm trước.

Tính chung cả năm 2023, có 8/11 doanh nghiệp dệt may giảm lãi, đơn cử: GIL giảm 89% còn 49 tỷ đồng. EVE giảm 79% còn 24,2 tỷ đồng, TVR giảm 75% còn 17,4 tỷ đồng, VGT giảm 63% còn 478,7 tỷ đồng,...

Bên cạnh đó, ADS và TET là 2 doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận so với năm 2022: ADS tăng 9% lên 90,2 tỷ đồng và TET tăng 24% lên 15,5 tỷ đồng.

Cuối cùng, GMC dù vẫn báo lỗ so với năm 2022 (lỗ 85,5 tỷ đồng) nhưng kết quả khả quan hơn khi năm 2023 giảm lỗ còn 44,6 tỷ đồng.

Garmex Sài Gòn cho biết, trong quý IV/2023, doanh nghiệp không có đơn hàng dẫn đến doanh thu sụt giảm. Bên cạnh đó, mặc dù công ty đã tiết giảm chi phí nhưng do không có doanh thu nên công ty tiếp tục báo lỗ. Dù vậy, số lỗ của quý IV/2023 thấp hơn cùng kỳ năm trước là do công ty trích lập dự phòng trợ cấp mất việc và dự phòng hàng tồn kho với tổng trị giá 55 tỷ đồng tại Báo cáo tài chính hợp nhất.

Về biện pháp khắc phục, hiện tại, doanh nghiệp đã cân đối lại nhân sự, thu hẹp hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, thực hiện tiết giảm chi phí để giảm hiểu thiệt hại. Garmex Sài Gòn sẽ tiếp tục tiết kiệm chi phí, rà soát tài sản, tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có hoặc thanh lý tài sản không cần dùng, đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro cho công ty.

Dự báo ngành dệt may "khởi sắc" trong nửa cuối năm 2024

Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể đạt 44 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ vào năm 2024. Tuy nhiên, quan điểm của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, dự báo của Vitas khá lạc quan và các nhà sản xuất chỉ có thể kỳ vọng sự phục hồi diễn ra vào nửa cuối năm 2024 do nhu cầu xuất khẩu trong quý I/2024 chưa có nhiều khởi sắc.

Chuyên gia SSI nhấn mạnh, các doanh nghiệp gia công trong nước có ít khả năng đàm phán với các nhà bán lẻ thời trang, đặc biệt trong thời kỳ nhu cầu yếu. Biên lợi nhuận gộp của các công ty dệt may đã giảm từ mức 15 - 18% trong năm 2022 xuống mức 11 - 14% trong năm 2023. Trong năm 2024, SSI kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ dần cải thiện lên mức 14 - 15% do nhu cầu phục hồi chậm xuyên suốt cả năm.

Ngoài ra, sự kiện "Biển Đỏ" có thể gây hiệu ứng gợn sóng đến hoạt động kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp xuất khẩu khi chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ/Châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023. Hơn nữa, khi căng thẳng leo thang, thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm sẽ cùng tăng lên.

Vì vậy, nhóm chuyên gia SSI cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I/2024 có thể phải chịu chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi tình hình "Biển Đỏ" hạ nhiệt.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục