Vay mua nhà: Lo ngân hàng “siết nhà” vì không có tiền trả nợ, người mua nhà “cầu cứu”

17/08/2021 13:20 GMT+7
Vay mua nhà, nhiều người dân lo bị ngân hàng "siết nhà", thậm chí một khách hàng còn “cầu cứu” tới Ngân hàng Nhà nước vì không đủ tiền trả nợ ngân hàng do thu nhập sụt giảm vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Vay mua nhà, người dân "khóc ròng" vì thu nhập không đủ trả lãi ngân hàng

Chị Phạm Thị Diện (Hoài Đức – Hà Nội) chia sẻ, sau 5 năm làm việc tại Hà Nội, vợ chồng chị đã quyết định vay tiền ngân hàng để mua một căn chung cư trên địa bàn (thuộc nhóm nhà ở xã hội).

Tại thời điểm đó, ngân hàng cho vay 80% giá trị căn nhà, trong vòng 10 năm. Bình quân, mỗi tháng 2 vợ chồng phải chi trả hơn 9 triệu đồng cả tiền gốc và lãi.

Vay mua nhà: Lo ngân hàng “siết nhà” vì không có tiền trả nợ, người mua nhà “cầu cứu”  - Ảnh 1.

Vay mua nhà, nhiều người dân lo bị ngân hàng "siết nhà" vì không trả được nợ. (Ảnh: MK)

Tuy nhiên, 2 năm xảy ra dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch, khách sạn của chồng chị bị ảnh hưởng, nghỉ việc không lương. Công việc văn phòng của chị chuyển sang làm việc luân phiên, thu nhập giảm một nửa khiến gia đình chị rơi vào cảnh bế tắc.

"Vợ chồng tôi vay nhà trả góp từ cuối năm 2018, gia đình 5 người, vì vậy, ngoài chi phí sinh hoạt, học tập, thu nhập của 2 vợ chồng chỉ đủ để trang trải gốc và chi phí lãi vay ngân hàng hàng tháng. Từ năm ngoái, dịch bệnh ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của gia đình, đến nay 2 vợ chồng xoay xở được tháng nào hay tháng đấy. Nhưng nếu kéo dài thêm 1 hay 2 tháng nữa, chúng tôi không còn khả năng thanh toán cho ngân hàng. Quá hạn, ngân hàng siết nợ, bao công sức bấy lâu xuống sông xuống bể", chị Diện lo lắng.

Tương tự, chị Linh Trần (Quận 4 - TP.HCM) ngậm ngùi cho biết, gia đình chị cũng đang trả góp 1 căn đang ở duy nhất từ năm 2016 đến nay. 

Sau khi cầm cự được trong năm đầu đại dịch (năm 2020), lần này khi đại dịch bùng phát lần thứ 4, chị được giãn nợ vài tháng (chỉ trả lãi, không trả gốc). Tuy nhiên, chị Linh Trần vẫn chưa hết lo lắng bởi dịch bệnh vẫn còn phức tạp và chưa biết đến khi nào kết thúc, trong khi đó, phần nợ thiếu được ngân hàng giãn nợ, chị phải hoàn trả lại ngân hàng trong 6 tháng tiếp theo.

"Dù ngân hàng đã tạo điều kiện để không bị "siết nợ" khi dịch bệnh còn phức tạp nhưng cũng không dám chắc sau 6 tháng tới gia đình có thể ổn định được công việc và có thu nhập đủ để trang trải cho khoản tiền này hay không? Thực sự gia đình vẫn đang rất lo lắng, thậm chí gia đình cũng đã nghĩ đến việc nếu không vay được bạn bè người quen thì có khi phải vay thêm tại các công ty tài chính để xoay xở nếu cần", chị Linh Trần chia sẻ.

Theo Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 6/2021, hai đợt dịch đã ảnh hưởng xấu đến 12,8 triệu người lao động, trong đó có 557 nghìn người bị mất việc (chiếm 4,4%); 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh (chiếm 31,8%); 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên (chiếm 34,1%) và 8,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập (chiếm 66,4).

Thiếu việc làm, mức thu nhập giảm chính là lý do khiến cho không ít người vay mua nhà rơi vào cảnh lao đao, có nguy cơ bị siết nợ.

"Cầu cứu" Ngân hàng Nhà nước vì không có tiền trả nợ

Thực tế, trong thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi vay, nhưng đối tượng ưu tiên phần lớn chỉ là doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, còn các khách hàng cá nhân vay để mua nhà được giảm khá ít, chỉ từ 0,5-1%/năm. Tuy nhiên, mức giảm này thực tế không thấm vào đâu so với số tiền phải trả của nhiều gia đình.

Vay mua nhà: Lo ngân hàng “siết nhà” vì không có tiền trả nợ, người mua nhà “cầu cứu”  - Ảnh 3.

Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi vay cho khách hàng mua nhà từ 0,5% - 1%. (Ảnh: PVcombank)

Cực chẳng đã, người vay tiền mua nhà phải "cầu cứu" tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trường hợp của ông Đỗ Thanh Nhân (TP HCM) là một điển hình.

Thông tin từ báo Chính phủ cho biết, ông Đỗ Thanh Nhân có vay một ngân hàng chi nhánh Sài Gòn số tiền hơn 400 triệu đồng để mua 1 căn chung cư tại quận 8. Do tình hình dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng đến công việc khiến kinh tế gia đình ông gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ hàng tháng.

Vì vậy, ông Nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ người dân được tạm ngừng thanh toán các khoản vay trong 3 kỳ tiếp theo để ổn định cuộc sống.

Vay mua nhà: Lo ngân hàng “siết nhà” vì không có tiền trả nợ, người mua nhà “cầu cứu”  - Ảnh 4.

Một khách hàng vay mua nhà "cầu cứu" Ngân hàng Nhà nước vì không trả được nợ. (Ảnh: SBV)

Trả lời vấn đề này, NHNN cho biết để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 NHNN đã ban hành Thông tư 01 và Thông tư 03 quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19

Theo đó, khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá đáp ứng các điều kiện như: Không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19; Có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; Khoản vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ nợ, trả nợ gốc, lãi trong thời gian quy định thì đượcTCTD xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định.

Việc xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi… thuộc thẩm quyền của TCTD. Do đó, đề nghị người dân cần làm việc với các TCTD để được xem xét, xử lý theo đúng quy định.

Hiện nay, NHNN đang tổng hợp các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để tiếp tục xây dựng các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà. Các ngân hàng thương mại được đề nghị xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn.

Đồng thời, HoREA đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. Các ngân hàng thương mại xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký; hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.

H.Anh
Cùng chuyên mục