Vì đâu các nhà khai thác không còn đổ xô khoan dầu khi giá dầu Brent tiến gần mốc 70 USD?

30/05/2021 13:33 GMT+7
Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, các công ty dầu mỏ không vội tăng sản lượng dù giá dầu Brent chuẩn tiến gần mốc 70 USD. Ngay cả ở Permi, khu vực trung tâm của ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ, các thợ khoan dầu cũng đang siết chặt sản lượng.

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đang đối diện khó khăn lớn khi các nhà đầu tư phố Wall yêu cầu các đại gia dầu mỏ chi tiêu ít hơn cho việc khoan dầu và thay vào đó, phân bổ nhiều tiền hơn để trả lợi tức cho cổ đông. Thêm vào đó, sức ép từ các nhà hoạt động môi trường chống lại nhiên liệu hóa thạch và biến đổi khí hậu càng khiến các công ty dầu mỏ lao đao. Ngay cả gã khổng lồ Exxon Mobil cũng đang yếu thế trước các phong trào môi trường như vậy, nhất là khi Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tục ban hành các sắc lệnh thúc đẩy năng lượng tái tạo và hạn chế nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà đầu tư yêu cầu Exxon khoan ít mỏ dầu hơn và tập trung vào việc thanh toán cổ tức cho nhà đầu tư. Christopher Ailman, Giám đốc đầu tư của CalSTRS cho biết: “Họ đã ném tiền xuống lỗ khoan như những kẻ điên. Nhưng chúng tôi dự báo rằng công ty chỉ đang đi xuống chứ khó có thể tồn tại trong tương lai, trừ khi họ chịu thay đổi và thích nghi (với xu hướng năng lượng tái tạo)”.

Vì đâu các nhà khai thác không còn đổ xô khoan dầu khi giá dầu Brent tiến gần mốc 70 USD? - Ảnh 1.

Các nhà khai thác không còn đổ xô khoan dầu khi giá dầu Brent tiến gần mốc 70 USD

Exxon Mobil không đơn độc. Tuần trước, một gã khổng lồ dầu mỏ khác là Royal Dutch Shell Plc đã thua trong cuộc chiến pháp lý mang tính bước ngoặt khi tòa án ở Hà Lan yêu cầu hãng này cắt giảm đáng kể lượng phát thải ròng từ nay đến năm 2030, một động thái có thể là suy giảm đáng kể sản lượng dầu mà Royal Dutch Shell Plc đang sản xuất hiện tại. Một số chuyên gia đang tỏ ra quan ngại về làn sóng kiện tụng mà các gã khổng lồ dầu mỏ phải đối mặt ở những khu vực khác. Trong đó, các công ty dầu mỏ phương Tây là mục tiêu bị nhắm đến đầu tiên chứ không phải các công ty dầu quốc doanh vốn chiếm phần lớn sản lượng dầu mỏ trong OPEC.

Tình hình trở nên trầm trọng hơn vào tuần trước khi cuộc họp giữa các nhà xuất khẩu dầu mỏ OPEC và đồng minh (gọi tắt là OPEC+) mở ra cơ hội cho liên minh này khôi phục sản lượng dầu đã cắt giảm trước đó nhằm bình ổn giá dầu.

Dù rằng cho đến nay, sản lượng dầu từ các nước ngoài OPEC+ đang tăng trở lại sau cú sốc cung - cầu năm 2020, nhưng sẽ là một chặng đường dài để nó đạt tới sự phục hồi hoàn toàn. Nhìn chung, Bloomberg dự kiến sản lượng dầu ngoài OPEC+ sẽ tăng 620.000 thùng trong năm nay, vẫn chỉ bù đắp được một nửa so với mức giảm 1,3 triệu thùng/ ngày mà nó đã mất vào năm 2020. 

Khi sản lượng ngoài OPEC + tăng ít hơn nhu cầu dầu toàn cầu, các thỏa thuận sản lượng và giá cả sẽ giữ vai trò kiểm soát thị trường. Điều này hoàn toàn trái ngược những gì xảy ra trong quá khứ, khi các công ty dầu mỏ thường thúc đẩy sản lượng dầu tăng mạnh mỗi lần giá dầu tăng cao, qua đó đưa sản lượng dầu ngoài OPEC+ tăng vọt. 

Dù vậy, cho đến nay, việc sản lượng dầu ngoài OPEC+ chưa phục hồi hoàn toàn không để lại nhiều tác động tiêu cực cho thị trường. Nguyên nhân là các làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo đang tiếp tục siết chặt nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, ít nhất là đến cuối năm nay. Cho đến khi các chiến dịch tiêm chủng được triển khai rộng khắp toàn cầu, nhu cầu dầu mới có khả năng phục hồi hoàn toàn.


NTTD
Cùng chuyên mục