Vì đâu lợi nhuận quý II của Dệt may Thành Công (TCM) suy giảm tới 95%?

22/07/2023 13:28 GMT+7
Lũy kế 6 tháng, Dệt may Thành Công (TCM) đã thực hiện được 39,7% kế hoạch doanh thu và 42,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Dệt may Thành Công báo lãi quý II gần như chạm đáy

Dệt may Thành Công (TCM) báo lãi 6 tháng đầu năm đạt hơn 4,4 triệu USD - Ảnh 1.

Tình hình kinh doanh riêng tháng 6/2023 của Dệt may Thành Công

CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) cho biết: doanh thu riêng của tháng 6 đạt 9.352.000 USD (tương ứng hơn 221,2 tỷ đồng), giảm 32% so với tháng 6/2022. Doanh thu chủ yếu đến từ 3 mảng: sản phẩm may (76%), vải (15%) và sợi (6%).Lợi nhuận sau thuế đạt 155.000 USD (tương ứng hơn 3,6 tỷ đồng), giảm 81% so với cùng kỳ.

Về kết quả kinh doanh quý II/2023, TCM ghi nhận doanh thu đạt 714,5 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm 45% còn 95 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng 42,4% lên 17,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng 32,8% lên 38,5 tỷ đồng nhưng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm.

Kết quả, lợi nhuận của Dệt may Thành Công sụt giảm còn vỏn vẹn hơn 2,2 tỷ đồng, giảm tới 95,8% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận kể từ quý III/2021.

Dệt may Thành Công (TCM) báo lãi 6 tháng đầu năm đạt hơn 4,4 triệu USD - Ảnh 2.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, TCM ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.591 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 57,2 tỷ đồng. Với kết quả trên, TCM đã thực hiện được 39,7% kế hoạch doanh thu và 42,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Dệt may Thành Công (TCM) báo lãi 6 tháng đầu năm đạt hơn 4,4 triệu USD - Ảnh 3.

Thị trường xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023

Nói về thị trường xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2023, Dệt may Thành Công xuất khẩu sang thị trường châu Á chiếm 65,1%, trong đó thị trường Hàn Quốc chiếm 25,3%, thị trường Nhật chiếm 21,76%, Trung Quốc chiếm 7,19%, Việt Nam chiếm 5,98%. Tiếp theo đến thị trường châu Mỹ chiếm 29,2%, trong đó thị Mỹ chiếm 25,78%, Canada chiếm 3,41%. Thị trường châu Âu chiếm 4,8% trong đó thị trường Anh chiếm 4,41%.

Do ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao tại Mỹ và EU trong thời gian qua đã khiến người tiêu dùng Mỹ và EU thắt chặt chi tiêu và giảm tiêu dùng cho những mặt hàng không phải là hàng thiết yếu, trong đó có hàng dệt may. Điều này làm cho tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bao gồm TCM sang các thị trường này giảm sút so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, TCM cho biết, nhờ vào chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và chú trọng phát triển thị trường nội địa đối với mảng vải- sợi để giảm thiểu rủi ro và gia tăng tỷ trọng xuất khẩu, phần nào duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Dệt may Thành Công (TCM) báo lãi 6 tháng đầu năm đạt hơn 4,4 triệu USD - Ảnh 4.

Xuất khẩu 6 tháng theo các quốc gia

Về tình hình đơn hàng, Công ty hiện vẫn hoạt động chưa tối đa công suất, thiếu đơn hàng cho quý III và theo dự báo thì kinh tế thế giới chậm phục hồi cho đến hết năm 2023, vì vậy phần nào cũng ảnh hưởng đến tình hình đơn hàng những tháng còn lại của năm 2023. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã nhận được khoảng 76% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2023 và nhận khoảng 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý IV/2023.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 21/7, giá cổ phiếu TCM giảm 0,56% xuống còn 53.000 đồng/ cổ phiếu.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục