Vì sao cà phê Việt Nam xuất khẩu vào thị trường vô cùng hấp dẫn này lại èo uột?

28/02/2022 17:49 GMT+7
Cà phê không chỉ là một thức uống của người Bắc Âu mà còn là một văn hóa và lối sống không thể thiếu ở các nước này. Tuy vậy, cà phê Việt Nam xuất khẩu vào thị trường khu vực này còn khá khiêm tốn.

Khu vực tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới tính theo đầu người

Vì sao cà phê Việt Nam xuất khẩu vào thị trường vô cùng hấp dẫn này lại èo uột? - Ảnh 1.

EVFTA giúp xuất khẩu cà phê vào Bắc Âu được hưởng lợi. Ảnh: CT

Các nước Bắc Âu tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới tính theo đầu người. Trong đó, Na Uy đứng thứ hai, chỉ sau Phần Lan, tiếp theo Iceland đứng thứ ba, Đan Mạch đứng thứ tư, và Thụy Điển đứng thứ sáu với mức tiêu thụ lần lượt là 9,9 kg, 9 kg, 8,7 kg, và 8,2 kg/người/năm.

Cà phê chất lượng cao được chú trọng ở khu vực Bắc Âu. Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch được coi là những người chơi quan trọng trong thị trường cà phê đặc sản toàn cầu và việc nhập khẩu cà phê chất lượng cao đã trở thành trọng tâm chính ở thị trường Bắc Âu.

Na Uy, chẳng hạn, là nơi thành lập Hiệp hội Cà phê Đặc sản ở châu Âu. Người tiêu dùng Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy ngày càng tìm kiếm cà phê độc đáo, chất lượng cao trong các quán cà phê. Ở châu Âu, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy ghi nhận mức tăng trưởng doanh số bán lẻ tại quán cà phê lớn nhất kể từ năm 2010. Do đó, số lượng chuỗi cà phê và các nhà rang xay siêu nhỏ cũng không ngừng tăng lên. Thụy Điển có hơn 1.700 cửa hàng cà phê vào năm 2018 và số lượng cửa hàng cà phê nhỏ liên tục tăng. Trong cùng năm, Đan Mạch thậm chí ghi nhận tỷ lệ quán cà phê mới đăng ký cao nhất ở châu Âu, đạt 14,5%.

Vì sao cà phê Việt Nam xuất khẩu vào thị trường vô cùng hấp dẫn này lại èo uột? - Ảnh 2.

Việt Nam xuất khẩu sang Bắc Âu chủ yếu là cà phê nhân, chưa rang và chưa khử caffein.

Chuỗi cà phê lớn nhất đang hoạt động ở khu vực Bắc Âu là Espresso House, có khoảng 460 cửa hàng ở khu vực. Các chuỗi lớn khác bao gồm Joe & The Juice (Đan Mạch) và Wayne’s Coffee (Thụy Điển).

Ngoài ra, các cửa hàng cà phê đặc sản ở khu vực Bắc Âu còn cóDrop Coffee Roasters (Thụy Điển), Sonny (Đan Mạch) và Fuglen (Na Uy). Các nhà rang xay này phục vụ các thị trường ngách và tuân theo các nguyên tắc thương mại trực tiếp dựa trên các mối quan hệ lâu dài bền chặt, tính minh bạch và sản phẩm chất lượng cao.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với cà phê đặc sản kéo theo sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng về việc cà phê được trồng ở đâu và trồng như thế nào? Các nước Bắc Âu được xếp hạng cao trong việc tiêu thụ thực phẩm hữu cơ ở châu Âu. Đan Mạch và Thụy Điển là các nước đứng đầu thế giới về mức chi tiêu bình quân đầu người cho thực phẩm hữu cơ.

Tính theo tỷ lệ phần trăm, các sản phẩm hữu cơ chiếm 12,1% tổng doanh số bán lẻ thực phẩm của Đan Mạch trong năm 2019. Theo Tổ chức phi chính phủ Hữu cơ Đan Mạch, từ năm 2018 đến 2019, doanh số bán thực phẩm hữu cơ tại Đan Mạch đã tăng 9,4%. Hơn một nửa người dân Đan Mạch, cụ thể 52,5% dân số thường mua thực phẩm hữu cơ mỗi tuần. 

Cũng theo tổ chức này, trung bình mỗi người dân Đan Mạch chi khoảng 344 EUR cho tiêu dùng thực phẩm hữu cơ vào năm 2019, điều này đưa Đan Mạch trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về tiêu thụ thực phẩm hữu cơ.

Thị phần sản phẩm hữu cơ của Thụy Điển đạt 9,1%, với doanh số bán lẻ đạt 2,4 tỷ EUR. Tại Na Uy, doanh số bán lẻ các sản phẩm hữu cơ tăng 8% từ năm 2017 đến năm 2018, ngay cả khi tiêu thụ thực phẩm hữu cơ vẫn còn nhỏ so với hầu hết các nước Bắc Tây Âu khác, thị phần hữu cơ của Na Uy là 1,7%, doanh số bán lẻ là 394 triệu EUR.

Sự quan tâm đến cà phê hữu cơ tuân theo xu hướng chung của thị trường Bắc Âu đang phát triển. Cà phê phát triển nhanh nhất trong các loại đồ uống hữu cơ ở Đan mạch. Người tiêu dùng Thụy Điển cũng ngày càng ưa chuộng cà phê hữu cơ. Các nhà rang xay Bắc Âu và các thương hiệu cà phê luôn có các sản phẩm hữu cơ trong danh mục của họ.

Một thương hiệu tập trung mạnh vào cà phê hữu cơ và phát triển bền vững là Arvid Nordquist. Các nhà bán lẻ cung cấp nhãn hiệu hữu cơ của riêng họ, chẳng hạn như Anglamark từ Coop Đan Mạch.

Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt

Việt Nam xuất khẩu sang Bắc Âu chủ yếu là cà phê nhân, chưa rang và chưa khử caffein (HS 090111), các mặt hàng cà phê khác gần như không đáng kể.

Như đã phân tích ở phần trên, các nước Bắc Âu là các nước có văn hóa cà phê và tiêu thụ cà phê tính trên đầu người cao nhất thế giới. Người tiêu dùng Bắc Âu có xu hướng khám phá các loại cà phê mới có chất lượng cao nên đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Trong khi thị trường cà phê truyền thống đã tương đối bão hòa thì thị trường cà phê đặc sản, và cà phê hữu cơ vẫn đang tiếp tục tăng trưởng và còn nhiều cơ hội.

Một cơ hội nữa cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam là Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, trong đó thuế đối với cà phê nhân, mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này, bằng 0%, giúp cho cà phê Việt Nam có giá cạnh tranh hơn trước đây.

Ngoài ra, theo EVFTA, 39 sản phẩm của Việt Nam được EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó có cà phê Buôn Mê Thuột. Ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, doanh nghiệp có thể cân nhắc phát triển thương hiệu cà phê đặc sản tại khu vực này.

Vì sao cà phê Việt Nam xuất khẩu vào thị trường vô cùng hấp dẫn này lại èo uột? - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Mặc dù, các nước Bắc Âu nhập khẩu chủ yếu cà phê Arabica, nhưng theo phân tích của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), mặt hàng cà phê nhân chưa rang, chưa khử caffein của Việt Nam vẫn còn dư địa để khai thác tại thị trường này.

Châu Á chủ yếu được biết đến với sản lượng Robusta, đặc biệt là Việt Nam, nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới. Cà phê Robusta chiếm khoảng 95% cà phê xuất khẩu từ Việt Nam, sản xuất tập trung mạnh vào việc tạo ra khối lượng lớn cà phê chất lượng tiêu chuẩn, hầu hết hướng đến thị trường cà phê hòa tan. 

Các công ty lớn về cà phê, chẳng hạn như Nestlé, sở hữu nhiều nhà máy tại Việt Nam, nơi sản xuất thương hiệu cà phê hòa tan Nescafé. Vì các thị trường Bắc Âu đều hướng tới cà phê chất lượng cao, nên nhập khẩu chủ yếu cà phê Arabica và nhập khẩu cà phê Robusta với số lượng thấp. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất cho cà phê Việt Nam chưa hiện diện nhiều tại thị trường khu vực này.

Các vấn đề bền vững đang là mối quan tâm lớn ở Việt Nam. Biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành cà phê, trong khi các phương thức canh tác gây suy thoái môi trường cũng là vấn đề được quan tâm. Cà phê bền vững chỉ chiếm khoảng 9% xuất khẩu cà phê của Việt Nam, trong khi thị trường Bắc Âu rất quan tâm đến vấn đề sản xuất bền vững.

Do thị trường nhỏ, việc nhập khẩu cà phê tập trung chủ yếu vào một số doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp Bắc Âu khi đã nhập khẩu quen và tin tưởng bạn hàng sẽ rất khó thay đổi. Đây chính là một trong những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.

Một thách thức nữa là thị trường Bắc Âu có đặc điểm là địa lý xa xôi, dân số ít, đơn hàng nhỏ, nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe nhất trong các nước châu Âu khác cũng làm cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không mặn mà.

Vì sao cà phê Việt Nam xuất khẩu vào thị trường vô cùng hấp dẫn này lại èo uột? - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Vì sao cà phê Việt Nam xuất khẩu vào thị trường vô cùng hấp dẫn này lại èo uột? - Ảnh 5.

Theo EVFTA, 39 sản phẩm của Việt Nam được EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó có cà phê Buôn Mê Thuột.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý muốn vào thị trường Bắc Âu, ngoài việc cung cấp đúng sản phẩm còn phải tuân thủ rất nhiều các qui định của thị trường.

Để tránh nguy cơ bị trả lại hoặc bị từ chối tiếp cận thị trường châu Âu, các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam nên gửi các sản phẩm xuất khẩu để phân tích các chất cấm tại các cơ quan có thẩm quyền (ví dụ như Vinacontrol và Cafecontrol).

Các nguy cơ vượt ngưỡng các chất cấm có thể được ngăn ngừa bằng cách thực hành tốt hơn việc trồng, sấy, chế biến và bảo quản và áp dụng có hiệu quả các hành động được đề cập với các đối tác chuỗi cung ứng. Cần đảm bảo sản phẩm được kiểm soát nhất quán trong tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng.

Phân khúc cà phê cao cấp phát triển mạnh tại Bắc Âu do mức thu nhập cao cũng như văn hóa cà phê phát triển mạnh hơn các nước khác. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại cà phê đặc sản ở Bắc Âu đã mở ra cơ hội cho các loại cà phê chất lượng cao và các nhà cung cấp có nguồn gốc mới nổi cung cấp các sản phẩm độc đáo. Trong thị trường đặc sản, cạnh tranh về chất lượng và mối quan hệ lâu dài, chứ không phải về giá cả. Quan hệ thương mại trực tiếp mở ra cơ hội thú vị cho đạt chất lượng hàng đầu và cà phê giá trị gia tăng.

Theo EVFTA, 39 sản phẩm của Việt Nam được EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó có cà phê Buôn Mê Thuột. Ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, doanh nghiệp có thể cân nhắc phát triển thương hiệu cà phê đặc sản, cà phê có thương hiệu được bảo hộ.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục