Giá cà phê tăng vọt bất thường, lại có một dự báo rất đáng chú ý

23/02/2022 15:28 GMT+7
Giá cà phê Robusta và Arabica tăng vọt hôm nay (23/2) do giới đầu cơ quay lại mua ròng và tồn kho giảm xuống mức thấp nhất 22 năm ở New York và mức thấp nhất trong hơn 3 năm gần đây ở London...

Giá cà phê tăng vọt bất thường...

Ghi nhận vào phiên đóng cửa thị trường khi bước sang ngày 23/2, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng vọt bất thường tới 104 USD (4,61%), giao dịch tại 2.360 USD/tấn. Giá Robusta kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 26 USD (1,16%), giao dịch tại 2.260 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Thị trường cà phê New York, giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 5/2022 cũng tăng tốt 1,6 Cent (0,65%), giao dịch tại 248,45 Cent/lb. Trong khi, giá cà phê Aabica kỳ hạn giao tháng 7/2022 tăng 1,25 Cent (0,51%), giao dịch tại 247,25 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình khá.

Giá cà phê tăng vọt bất thường, lại có một dự báo rất đáng chú ý - Ảnh 1.

Giá cà phê Robusta và Arabica tăng vọt hôm nay (23/2) do giới đầu cơ quay lại mua ròng.

Khủng hoảng Đông Âu với những động thái mới nhất của Tổng thống Nga Putin đã đẩy căng thẳng lên một mức mới, khiến gia tăng rủi ro và các tài sản trú ẩn an toàn đã được lựa chọn. Trong bối cảnh đó, giá cà phê tăng giảm thất thường do nhiều yếu tố lợi hại cùng tác động.

Những ngày qua và đặc biệt là phiên cuối ngày hôm qua, giá cà phê Robusta và Arabica đôi lúc tăng rất mạnh do giới đầu cơ quay lại mua ròng và tồn kho giảm xuống mức thấp nhất 22 năm ở New York và mức thấp nhất trong hơn 3 năm gần đây ở London. Dự báo thời tiết tại các vùng cà phê chính ở miền Nam Brazil sẽ có nhiều mưa, hỗ trợ tốt cho vụ mùa năm nay phát triển mạnh, dự báo sẽ góp phần hạn chế đà tăng của giá cà phê kỳ hạn.

Giá cước vận tải biển cao ngất trong thời gian qua đã tác động lớn tới giá cà phê xuất khẩu của các nước. Hiện vẫn chưa biết chính xác khi nào ngành vận tải biển toàn cầu sẽ hết chao đảo khi mà giới chuyên gia vẫn chưa dừng việc lùi dự báo về thời điểm quan trọng này.

Hiện cước vận tải biển và tình trạng ùn tắc tại hàng loạt cảng biển trên toàn thế giới vẫn duy trì ở mức cao hoặc gần mức cao kỷ lục trong lịch sử. Các chuyên gia đang lại dự báo tình hình này sẽ còn kéo dài sang năm 2023. Chia sẻ với Freight Waves, nền tảng phân tích dữ liệu hàng hải Alphaliner (Pháp) cho hay: "Các nhà phân tích ngày càng đồng thuận rằng, cuộc khủng hoảng ngành vận tải biển sẽ kéo dài ít nhất là trong suốt năm nay".

Vận tải biển kéo giảm thị phần cà phê của Việt Nam vào Hoa Kỳ 

Tại Hoa Kỳ, khối lượng cà phê nhân tại cảng của nước này trong tháng 01/2022 giảm 37.851 bao, xuống 5,79 triệu bao (loại 60 kg/bao), giảm tháng thứ 5 liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu cà phê của nước này trong năm 2021 đạt 1,58 triệu tấn, trị giá 6,75 tỷ USD, tăng 3,6% về lượng và tăng 22,0% về trị giá so với năm 2020. 

Với số liệu thống kê trên có thể thấy, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới. Giai đoạn 2020 – 2025, thị trường cà phê Hoa Kỳ được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,8%. Các yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường là lối sống ngày càng bận rộn và thời gian làm việc kéo dài. Điều này đã khiến các chuỗi cà phê ở Hoa Kỳ trở nên phổ biến hơn đối với khách hàng.  

Thị trường cà phê Hoa Kỳ được phân khúc theo loại sản phẩm: Cà phê nguyên hạt, cà phê xay, cà phê hòa tan và cà phê Pod & Capsules, được phân phối thông qua các điểm bán hàng tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà bán lẻ chuyên nghiệp và các kênh phân phối khác. 

Yêu cầu đối với cà phê nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị. Các tiêu chuẩn sản xuất chính trên thị trường cà phê Hoa Kỳ là Fairtrade USDA, Organic, Rainforest Alliance/UTZ Certified, Bird Friendly, Carbon Neutral, Organic và Direct Trade.

Giá cà phê tăng vọt bất thường, lại có một dự báo rất đáng chú ý - Ảnh 2.

Nguồn: Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ

Năm 2021, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hoa Kỳ đạt 4.275 USD/tấn, tăng 17,7% so với năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hoa Kỳ từ tất cả các nguồn cung chính tăng, mức tăng cao nhất 21,4% từ Colombia và mức tăng thấp nhất là 5,2% từ Việt Nam.

Giá cà phê tăng vọt bất thường, lại có một dự báo rất đáng chú ý - Ảnh 3.

Nguồn: Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ

Về cơ cấu nguồn cung, năm 2021, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu cà phê từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ Việt Nam cũng chính là do cước phí vận tải tăng cao, vận chuyển khó khăn. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây khó khăn trong khâu vận chuyển là nguyên nhân khiến nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ từ Việt Nam giảm.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu cà phê của nước này từ Brazil trong năm 2021 đạt 464,7 nghìn tấn, trị giá 1,23 tỷ USD, tăng 3,2% về lượng và tăng 16,9% về trị giá so với năm 2020. Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ chiếm 29,41% năm 2021, thấp hơn so với thị phần 29,55% năm 2020. 

Ngược lại, Hoa Kỳ giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong năm 2021 với mức giảm 9,0% về lượng và giảm 4,3% về trị giá so với năm 2020, đạt 144,1 nghìn tấn, trị giá 267,65 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm từ 10,38% trong năm 2020, xuống 9,12% năm 2021.

Giá cà phê tăng vọt bất thường, lại có một dự báo rất đáng chú ý - Ảnh 4.

Nguồn: Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ

Giá cà phê tăng vọt bất thường, lại có một dự báo rất đáng chú ý - Ảnh 5.

Nguồn: Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ

Trong thời gian tới, chắc chắn nhu cầu cà phê tại Hoa Kỳ sẽ gia tăng khi nước này mở cửa trở lại bình thường. 

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong niên vụ 2021 - 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ tăng cao. 

Việc tăng ở đây trước mắt chủ yếu là ở sản lượng thô. Cà phê chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đa phần vẫn là cà phê hòa tan, hầu hết mới được bày bán tại các siêu thị của người gốc Á. 

Trong khi tại một thị trường có nhu cầu đa dạng như Hoa Kỳ, dư địa cho các sản phẩm cà phê chế biến sâu vẫn còn rất lớn. Nếu Việt Nam tập trung vào khâu chuỗi nào đó, ví dụ như tập trung vào chuỗi sản xuất cà phê uống liền, hay sản xuất cà phê rang xay, đóng chai uống tại nhà hay cung cấp cho các quán đều có thị phần rất tốt vì thị trường Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn. 

Nếu doanh nghiệp Việt  Nam có tầm nhìn chắc chắn thị trường Hoa Kỳ luôn mở rộng cửa cho cà phê Việt Nam. Hoa Kỳ luôn là quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới khi lượng sản xuất chỉ chiếm 0,01% sản lượng cà phê toàn cầu.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục