Vì sao đơn vị sản xuất nông sản sạch “ngán ngẩm” với siêu thị?
Trồng rau sạch bán ngoài chợ như rau thường
Vào giữa trưa nắng gắt những ngày nhiệt độ tại Hà Nội lên tới 40 độ C, người nông dân tại Hợp tác xã (HTX) Lĩnh Nam vẫn cặm cụi chăm chút từng khoảng ruộng rau an toàn (RAT).
Theo bà Lê Thị Thu (tổ 30, phường Lĩnh Nam) cho biết, từ năm 2004, sau khi chia lại ruộng giúp cho ranh giới các vùng sản xuất của từng hộ được rõ ràng, tránh bị trùng lấn, người dân được đi học cách trồng RAT. Từ việc ghi sổ nhật ký, tra hạt xuống ngày nào? phun loại thuốc gì? Cách ly bao nhiêu ngày? Cho đến quá trình thu hoạch cụ thể đều được đảm bảo.
Bà Thu chia sẻ, việc trồng cây rau bình thường đã kỳ công, trồng được theo đúng tiêu chuẩn RAT không khác gì chăm con mọn. Từ 1h sáng bà đã phải dậy thu hoạch rau để kịp giờ đi chợ buổi sáng, sau khi thu hoạch xong, khoảng 2h sáng bà phải đem rau lên bể nước rửa cho sạch đất. 4h sáng chở rau ra chợ hoặc các điểm thương lái thu mua.
Để làm ra được cây rau sạch vất vả, khó nhọc là vậy, tuy nhiên, tại các HTX trên địa bàn thành phố Hà Nội như Lĩnh Nam, Vân Nội… người dân phải ra các chợ đầu mối, dân sinh bán như rau bình thường. Qua đó, người chịu thiệt thòi chính là những người nông dân, khi chi phí sản xuất, công sức bỏ ra là rất lớn.
Theo bà Thu, một ngày ruộng rau của nhà bà đạt năng suất khoảng 100kg, tuy nhiên số lượng được HTX thu mua chỉ đạt khoảng 20kg với giá thành 15.000 đồng đến 17.000 đồng/kg. Số còn lại bà phải tự tìm đầu ra tại các chợ đầu mối, dân sinh bán với mức giá rẻ mạt chỉ khoảng 10.000 đồng/kg.
Thậm chí, nhiều người dân trồng rau tại HTX Lĩnh Nam cho biết, 100% sản lượng RAT của các hộ đều phải tự tìm cách bán ra các chợ cóc, dân sinh với giá cả lên xuống thất thường.
Không chỉ HTX Lĩnh Nam gặp phải tình trạng trên, HTX Ba Chữ (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong số 30 ha rau tại Ba Chữ, có 17ha RAT có giấy chứng nhận, có thể truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm đều do các hộ gia đình tự tiêu thụ thông qua chợ dân sinh, đầu mối.
Nhất quyết không "quay lại" với siêu thị
Theo ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ nhiệm HTX rau sạch Lĩnh Nam cho biết, hiện tại, địa phương này có 170 ha diện tích đất nông nghiệp. Trong đó, 74,4 ha được sử dụng trồng RAT, 12,5/74,4 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.
Với diện tích nói trên, trung bình tổng sản lượng rau hàng ngày của Hợp tác xã ở mức trên dưới 10 tấn. Ông Minh cho biết, trước khi có dịch Covid-19, hàng ngày HTX xã thu mua từ 1,5 đến 2 tấn rau, hiện tại, con số này chỉ dừng lại ở mức 800 kg/ngày.
Theo giải thích của ông Minh, nguyên nhân của tình trạng trên là do ảnh hưởng của dịch bệnh, các cơ quan, trường học, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể đều đóng cửa. Hiện tại, tình trạng thiếu kênh phân phối là khó khăn chung của các đơn vị sản xuất nông sản. Tuy nhiên, khi được hỏi tới việc đưa rau vào siêu thị, ông Minh tỏ ra "ngán ngẩm".
Cụ thể, ông Minh cho biết, ngay từ thời điểm năm 2004, khi được chứng nhận vùng sản xuất RAT, HTX Lĩnh Nam đã nghĩ đến việc đưa sản phẩm vào phân phối tại các siêu thị.
"Các siêu thị lớn như Fivimart, Big C khi đang xây dựng cũng đã tìm đến chúng tôi để lấy hàng. Nhưng hiện tại, RAT của Lĩnh Nam đã không còn xuất hiện ở các siêu thị nữa", ông Minh chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân, ông Minh cho hay, có rất nhiều khúc mắc nhưng lớn nhất là do mức chiết khấu của các siêu thị, thời điểm cao nhất lên tới 15%. Ngoài ra, một số siêu thị đưa ra điều kiện khó đáp ứng như không kiểm soát đầu vào đến khi phát hiện sản phẩm lỗi lại yêu cầu trả hàng.
"Việc các siêu thị chiết khấu cao lại đặt ra nhiều điều kiện về đổi trả khiến chúng tôi không còn mặn mà với kênh phân phối này. Thời điểm đó, nhiều lần tôi phải thốt lên, sáng chuyển đến là rau, chiều trả lại thì thành rác rồi. Hiện tại, dù phân phối khó khăn nhưng chúng tôi cũng không nghĩ đến việc quay lại với siêu thị", ông Minh nhấn mạnh.
Nhận định về tình trạng trên, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội thừa nhận, hiện tại, tình trạng siêu thị chiết khấu cao đang diễn ra phổ biến. Nếu không sớm giải quyết, nhà sản xuất sẽ khó tìm đầu ra cho sản phẩm đặc biệt là nông sản.
Lấy dẫn chứng cụ thể trong câu chuyện mặt hàng cá sạch của Hợp tác xã Đại Áng (Thanh Trì, Hà Nội) đầu tư công nghệ cao, sản phẩm chất lượng mà vẫn khó vào siêu thị, ông Vũ Vinh Phú phân tích:
"Theo như các phương tiện truyền thông phản ánh thì nhà phân phối đã đi xem, đánh giá chất lượng cá tốt, song khi mua siêu thị lại mua bằng với giá cá không sạch, chiết khấu 30% và 3 tháng sau mới thanh toán. Hiện nay, 80% hàng vào siêu thị là phải ký gửi. Với các cách thức làm việc chiết khấu và thanh toán chậm như trên, rõ ràng siêu thị đang chiếm dụng vốn rất "hợp lý
Tuy nhiên, không phải siêu thị nào cũng như thế. Hiện vẫn còn những siêu thị rất tốt như Hapro, cùng một lô miến như trên chỉ chiết khấu chỉ bằng 1 nửa của siêu thị khác. Hay như Vinmart chiết khấu 0% trong vòng 1 năm cho những nhà thực phẩm tươi sống", Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Để giải quyết tình trạng trên, Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, cần có "bàn tay" của nhà nước để vừa bảo vệ người sản xuất, vừa đảm bảo cho đơn vị phân phối có lợi nhuận.
"Ví dụ như Thái Lan là quốc gia có Luật Mía đường khá chặt chẽ. Theo luật này, khi bán 1 kg đường ra thị trường thì được luật hóa 60% lợi nhuận thuộc về người nông dân, còn 40% là các nhà buôn bán chia nhau. Chính sách này rất rõ ràng minh bạch. Chúng ta chưa đến nỗi phải luật hóa nhưng chúng ta phải có những quy định nào đó để cho người sản xuất của cải vật chất đỡ thiệt thòi", Chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng nhận định, hiện nay có sự cạnh tranh không công bằng trong việc phân phối sản phẩm nông sản.
"Cần có sự công bằng trong tiếp cận nhà phân phối. Mỗi siêu thị có quyền đặt ra các tiêu chuẩn riêng nhưng Bộ Công Thương cần có vai trò trọng tài để đảm bảo công bằng trong tiêu thụ hàng hoá", Chuyên gia Nguyễn Đình Cung đánh giá.