Vì sao giá tiêu tăng gấp đôi nhưng nông dân vẫn kém vui?
Giá tiêu nhảy múa, dân vừa mừng, vừa lo
Những ngày qua, giá tiêu liên tục tăng. Tại Đắk Lắk có lúc mỗi ký tiêu bán được 80 ngàn đồng, cao gần gấp đôi so với thời điểm giá tiêu chạm đáy, thế nhưng nhiều nông dân lại không vui mừng. Đặc biệt, trong hai ngày 22 và 23, giá tiêu giữ mức 70.000-73.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với trước đó khiến nông dân vừa mừng, vừa lo.
Theo tìm hiểu của PV Etime, tại Tây Nguyên, lượng tiêu trữ trong dân còn rất ít. Vụ tiêu năm nay, sản lượng tiêu giảm đáng kể do sâu bệnh và một phần do thiếu đầu tư. Hơn nữa, hiện vẫn đang là đầu vụ, nhân công thu hái khan hiếm nên người dân chưa thu hoạch tiêu được nhiều.
Do vậy, mặc dù giá tiêu tăng cao nhưng dân vẫn không có, hoặc có rất ít tiêu để bán. Anh Nguyễn An Thạnh (thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hồ tiêu bền vững Đoàn Kết. CLB của anh có 30 thành viên với tổng diện tích gần 30 ha.
Anh Thạnh cho biết, thời gian giảm giá sâu, các thành viên trong CLB Hồ tiêu bền vững Đoàn Kết đều bị ảnh hưởng. Do đó, thu hái đến đâu nông dân bán đến đó để tái đầu tư. Vì vậy, dù hiện tại giá tiêu tăng cao nhưng dân không có nhiều hàng để bán. "Dân rất mừng vì tiêu tăng giá nhưng tiêu cũ đã bán hết. Tiêu vụ mới thì mới thu lác đác, phần vì tiêu chưa chín, phần vì thiếu nhân công nên gần như các thành viên trong CLB không có tiêu bán"- anh Thạnh nói.
Năm ngoái, ông Trần Trọng Hợi (thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) thu 6 tấn tiêu. Nhưng do giá tiêu thấp, gia đình lại cần vốn tái đầu tư nên bán gần hết. Đến khi giá tiêu tăng, gia đình ông chỉ còn vài tạ, khi giá tiêu đang tăng liên tục, nhà chưa cần đến tiền nên ông giữ lại. Thế nhưng hai ngày qua, giá tiêu bất ngờ hạ xuống khiến ông hết sức lo lắng.
Lãnh đạo xã Ea Bhốk cho biết, mặc dù giá tiêu cao nhưng sản lượng tiêu cũ còn trong dân chỉ được khoảng 15-20%. Thế nên thực chất người dân không được hưởng lợi nhiều trước biến động giá này. Phần lớn nông dân đang hi vọng giá tiêu không bị tụt xuống lại cho đến khi thu xong vụ tiêu này.
Chủ tịch UBND xã Ea Bhốk, ông Nguyễn Văn Dũng, cho biết, hiện xã cũng chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, khuyến nông hướng dẫn bà con thực hiện tốt công tác thu hoạch, chăm sóc, phơi sấy. Đồng thời, chỉ đạo Công an xã tập trung triển khai mạnh công tác bảo đảm an ninh, tránh tình trạng mất cắp hoặc phá hoại khi tiêu tăng giá cao.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến thời điểm hiện tại nông dân Đắk Lắk chỉ mới thu khoảng 50% diện tích. Như vậy toàn tỉnh này còn hơn 13 ngàn ha hồ tiêu chưa được thu hoạch.
Giá tiêu tăng nhưng giao dịch giảm
Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù những ngày qua, giá tiêu biến động tăng nhưng các điểm thu mua nông sản, hoạt động mua bán không nhộn nhịp, thậm chí giảm đi. Theo anh Phạm Đắc Túc, Giám đốc Công ty TNHH Như Linh (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin), thời điểm này trước các năm trước, mỗi ngày công ty thu mua từ 20-30 tấn tiêu. Nhưng hiện nay, sản lượng tiêu mua vào chỉ khoảng 10 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Đình Hải, chủ đại lý nông sản Minh Hải (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cũng cho biết, giá tiêu đang ở mức cao nhưng lượng hàng tồn kho của đại lý rất thấp.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, đại lý thu mua, dân chưa bán tiêu một phần vì tiếc, muốn chờ giá lên. Những lái buôn nhỏ lẻ gom hàng trong dân cũng muốn găm hàng chờ giá. Đây chính là nguyên nhân khiến hoạt động mua bán tiêu trở nên ảm đạm ngay trong vụ tiêu.
Sau những ngày liên tục tăng, giá tiêu bắt đầu biến động khó lường. Ngày 18/3, giá tiêu tại Đắk Lắk lên đến 80.000 đồng/kg- tăng kỷ lục so với 4 năm qua. Nhưng đến ngày 19/3, tại Đắk Lắk, tiêu chỉ được thu mua ở mức 75.000 đồng/kg. Trong hai ngày qua, giá tiêu tại Đắk Lắk xuống chỉ còn 71.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Đình Hải, trong thời gian qua, có một số nhà đầu tư nhỏ lẻ (trong đó có cả nông dân) tìm tới đại lý để mua lại tiêu. Nhưng nếu trong những ngày tới, giá tiêu tiếp tục hạ chắc chắn người dân sẽ bán tháo chứ không dám găm hàng nữa.
Ông Hải cho rằng, hiện giá tiêu vẫn đang hết sức khó lường. Đại lý của ông có đủ khả năng để trữ hàng nhưng những ngày qua, ông mua tới đâu bán đi tới đó chứ không dám trữ. "Nếu hám lợi bung tiền ra trữ, nông dân rất có thể sẽ phải ôm nợ"- ông Hải nhận định.
Các chuyên gia ngành nông nghiệp đánh giá, với giá tiêu hiện nay nông dân đã bắt đầu có lãi, phần nào bù lỗ của những năm trước. Dự báo giá tiêu sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới do nhu cầu mua vào vẫn ở mức cao, trong khi nguồn cung vụ mới sụt giảm đáng kể.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, ở đà xuống, nếu dưới mốc 72.000 đồng/kg, giá tiêu sẽ rơi xuống sâu hơn nữa. Nếu giữ được mốc này trong tuần tới, giá tiêu có cơ hội hồi phục mạnh mẽ để bước vào chu kỳ tăng mới.