Vì sao nhà đầu tư nước ngoài đua nhau rót tiền vào Trung Quốc?
Tại thủ đô Bắc Kinh, hơn 1/3 giao dịch bất động sản thương mại đến từ các nhà đầu tư nước ngoài theo ông Michael Wang, Giám đốc cấp cao về thị trường vốn của JLL Trung Quốc. “Bắc Kinh được kỳ vọng duy trì vai trò như một lựa chọn (đầu tư bất động sản) được ưa chuộng của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt khi Trung Quốc được dự đoán sẽ chứng kiến kinh tế phục hồi sớm hơn hầu hết các thị trường lớn khác trên toàn cầu”.
Dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện vào cuối năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc và lan rộng ra thành đại dịch toàn cầu vài tháng sau đó. Tuy nhiên, bằng những biện pháp phong tỏa kiểm dịch nghiêm ngặt, Trung Quốc đã sớm kiểm soát thành công dịch bệnh ngay trong quý II/2020, thời điểm mà đại dịch bắt đầu lây lan rộng rãi ở các nền kinh tế lớn như Mỹ hay châu Âu. Chính phủ Bắc Kinh sau đó đã nới lỏng các hạn chế và thúc đẩy kinh tế phục hồi nhanh chóng trong nửa sau của năm.
Dòng FDI vào Trung Quốc cao kỷ lục
Không chỉ trong lĩnh vực bất động sản thương mại, các doanh nghiệp nước ngoài còn tăng cường đầu tư vào các dự án trên mọi lĩnh vực ở Trung Quốc khi nền kinh tế nước này sớm ghi nhận dấu hiệu khởi sắc.
Chính phủ Trung Quốc cũng tạo mọi điều kiện thu hút FDI, từ dự án kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài cho đến dòng tiền vào thị trường tài chính địa phương. Điều này góp phần thúc đẩy mục tiêu quốc tế hóa sử dụng đồng NDT, đồng thời mang lại tăng trưởng việc làm, nguồn thu thuế và nâng cao trình độ lao động địa phương.
Tính đến hết 11 tháng đầu năm 2020, dòng vốn FDI vào Trung Quốc đạt 129,47 tỷ USD, vượt qua mức cùng kỳ năm 2019. Theo ước tính của Macquarie công bố tuần trước, Trung Quốc là một trong những thị trường thu hút lượng vốn FDI kỷ lục trong năm ngoái. Năm 2019, nước này ghi nhận 138,13 tỷ USD vốn FDI, tăng từ mức 135 tỷ USD năm 2018, theo dữ liệu của Wind Information. Con số được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2020 bất chấp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần như ngừng hoạt động trong quý I năm nay do các biện pháp phong tỏa kiểm soát dịch bệnh.
Trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đổ tiền mua trái phiếu Trung Quốc với mức mua gần gấp đôi mức kỷ lục 1,1 tỷ NDT hồi năm 2019, theo ước tính từ Macquarie.
Rót vốn vào Trung Quốc: xu hướng dài hạn
Theo các nhà quan sát kinh tế, việc dòng vốn FDI đổ vào Trung Quốc nói chung và thủ đô Bắc Kinh nói riêng ngày càng tăng là xu hướng dài hạn chứ không phải hiện tượng nhất thời do tác động từ đại dịch.
Ví dụ, các nhà đầu tư nước ngoài đã dần dần tăng thị phần giao dịch trên thị trường bất động sản thương mại Bắc Kinh trong vài năm nay, trước khi dịch bệnh xuất hiện. Năm 2018, chỉ có 22% giao dịch trên thị trường này đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Con số này đã tăng mạnh lên 30% vào năm 2019 và 35% vào năm 2020, theo JLL. Mặc dù thị trường bất động sản thương mại Bắc Kinh đã phải chịu đựng cú sốc lớn do dịch Covid-19 nhưng doanh số bán hàng năm 2020 dự kiến vẫn vượt xa mức kỷ lục 80 tỷ NDT vào năm 2019.
Thực tế, trong vài năm qua, tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc cùng tiềm năng từ thị trường hàng tỷ người tiêu dùng, trong đó có hàng trăm triệu dân số thuộc tầng lớp trung lưu - đã thu hút các thương hiệu tiêu dùng quốc tế, các nhà sản xuất và tổ chức tài chính.
Để kích thích xu hướng này, chính phủ Bắc Kinh cũng nỗ lực nới lỏng hạn chế đầu tư nước ngoài, đồng thời cam kết tăng cường khả năng tiếp cận thị trường tài chính trong nước. Mặc dù vậy, có những ý kiến cho rằng Bắc Kinh vẫn đang đi chậm trong những thay đổi như vậy. Thêm vào đó là nhiều biện pháp hạn chế đầu tư không công bằng như yêu cầu chuyển giao công nghệ bắt buộc hay các quy định kiểm soát vốn chặt chẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư khi muốn rút tiền khỏi Trung Quốc.