Giá đất Thái Nguyên ra sao giữa cơn "sốt" đất ở Bắc Giang, Bắc Ninh?

Thứ bảy, ngày 17/04/2021 13:00 PM (GMT+7)
Giữa cơn "sốt đất" quay cuồng tại các địa phương lân cận thì thị trường bất động sản Thái Nguyên vẫn rất yên ắng. Theo khảo sát của PV Dân Việt, giá đất Thái Nguyên ở các vùng trung tâm cũng chỉ dao động từ 15-20 triệu đồng/m2, giá trung bình khoảng 7-8 triệu đồng/m2.
Bình luận 0

Giá đất tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên tăng gấp 2-3 lần

Thời gian gần đây, rất nhiều địa phương từ Bắc vào Nam giá đất bỗng nhiên tăng vọt gấp 2 đến 3 lần. Theo các chuyên gia địa ốc, giá đất ở các địa phương bị đẩy lên cao phần lớn là "sốt" đất ảo do các cò "thổi", thực chất giao dịch rất ít.

Thị trường bất động sản Bắc Giang là một trong những nơi diễn ra khá sôi động. Theo khảo sát, giá đất Bắc Giang trung bình tại các huyện như Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam ở mức cao ngất, hiện dao động từ 30 - 40 triệu đồng/m2, có nơi lên hơn 50 triệu đồng/m2.

Nếu trước Tết Nguyên đán, giá đất tại một số nơi ở Bắc Giang ở mức khoảng 12-15 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 25-30 triệu đồng/m2. Một số nơi thậm chí còn chạm tới 40-50 triệu đồng/m2 sau thông tin quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị...

Giá đất tại Bắc Ninh cũng tăng chóng mặt sau thông tin lên thành phố trực thuộc Trung ương. Theo khảo sát, giá đất tại Bắc Ninh ở thời điểm hiện tại ở mức từ 40-60 triệu đồng/m2.

Chu kỳ tăng trưởng bình quân giá của tất cả các phân khúc bất động sản tại Bắc Ninh được ghi nhận từ 200 – 250%/năm.

Vì sao "sốt" đất ảo quay cuồng khắp nơi, giá đất Thái Nguyên vẫn yên ả? - Ảnh 1.

Giá đất Bắc Giang thời gian gần đây liên tục "nhảy múa". Ảnh Báo Bắc Giang

Có những mảnh đất 80 – 90m2 từ trước năm 2018 có mức giá 13 – 14 triệu/m2 thì nay lên 30-40 triệu đồng/m2. Thậm chí có những dự án ở vị trí trung tâm với hạ tầng hoàn thiện, gần sát các trung tâm dịch vụ giải trí có thể đạt mức tăng gấp 3 đến 3,5 lần so với thời điểm mở bán 2 năm trước đó.

So với nhiều tỉnh lân cận, giá đất Bắc Ninh cao hơn rất nhiều. Những nơi có giá đất cao ngất ngưởng như khu vực thành phố, thị xã Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong...

Thao khảo sát của PV Dân Việt, giá đất ở TP Bắc Ninh dao động khoảng 40 - 60 triệu đồng/m2, ở những vị trí đẹp có thể lên hơn 100 triệu đồng/m2; còn tại thị xã Từ Sơn, giá đất dao động khoảng 25-40 triệu đồng/m2.

Ở một tỉnh khác giáp Hà Nội là Hòa Bình, thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay cũng sôi động ở các phân khúc đất nền lẫn bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt ở một số địa phương như TP Hòa Bình, Lương Sơn, Kim Bôi...

Theo Báo Hòa Bình, tại bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình), giá đất nền tại dự án cảng Chân Dê có mức tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận 21 - 24 triệu đồng/m2 với các lô đất phía trong và 30 - 40 triệu đồng/m2 với lô mặt tiền đường lớn.

Một số dự án đất nền như khu dân cư tổ 7, phường Thịnh Lang, hay tại khu trung tâm thương mại bờ trái sông Đà có mức giá "dễ thở" hơn, dao động 14 - 15 triệu đồng/m2.

Tại bờ phải sông Đà, bất động cũng có những dấu hiệu tăng nhưng chỉ cục bộ tại một số trục đường rộng.

Cụ thể, tại dự án Sudico, giá đất mặt tiền khu vực đường rộng được rao bán với mức giá 35 - 40 triệu đồng/m2, các lô đất phía trong ở mức 17 - 18 triệu đồng/m2.

Nằm tiếp giáp khu Đông Hà Nội, bất động sản tại Hưng Yên cũng tăng giá ở nhiều nơi. Từ sau Tết, đất thổ cư, đất đấu giá ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh này đã tăng gấp 2 - 3 lần chỉ trong 1 - 2 tháng, Báo Hưng Yên đưa tin.

Các chuyên gia địa ốc cho rằng, việc tăng giá đất của các địa phương nói trên phần lớn là "sốt" đất ảo, giao dịch rất ít. Trước tình trạng giá đất tăng bất thường, chính quyền các địa phương nói trên đã ra văn bản khuyến cáo, ngăn chặn "sốt" đất ảo. 

Giá đất Thái Nguyên không biến động

Trước cơn "sốt" đất ảo đang diễn ra ở nhiều nơi thì thị trường bất động sản Thái Nguyên lại gần như không có biến động.

Theo khảo sát của PV Dân Việt, giá đất Thái Nguyên ở các vùng trung tâm thành phố cũng chỉ dao động từ 15-20 triệu đồng/m2, trung bình các nơi cũng chỉ khoảng 7-8 triệu đồng/m2.

Báo Thái Nguyên dẫn thông tin từ ông Bùi Quang Hưng, Trưởng Phòng Quản lý nhà và Phát triển đô thị cho biết, giá BĐS (BĐS) tại Thái Nguyên thời gian qua có tăng nhưng không đột biến.

Tại huyện Phú Bình, mặc dù là khu vực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh, song khu vực này vẫn không có tình trạng sốt giá đất.

Cụ thể, Khu dân cư số 2 trên địa bàn thị trấn Hương Sơn đã đầu tư xong hạ tầng và mở bán từ năm 2018, nay vẫn còn rất nhiều lô đất chưa được bán vì chủ đầu tư đang chờ giá lên. Giá giao dịch ở đây hiện khoảng 7 - 8 triệu đồng/m2, không cao hơn nhiều so với cuối năm 2020.

Tại huyện Võ Nhai, Khu dân cư số 1 thị trấn Đình Cả (74 ha, 273 lô đất thương mại) dù đang trong giai đoạn mở bán nhưng giao dịch cũng không mấy sôi động. Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, dự án đã bán được khoảng 40% sản phẩm, khách hàng chủ yếu là người dân có nhu cầu thực sự về đất ở.

Nguyên nhân khác khiến thị trường tại Thái Nguyên không bị hỗn loạn được cho là bởi trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị được triển khai với các sản phẩm BĐS đa dạng. Cùng với đó, hạ tầng giao thông đã tương đối thuận lợi nên người dân và nhà đầu tư BĐS có nhiều lựa chọn.

Đầu tháng 4/2021, trước tình trạng sốt đất đang xảy ra từ Bắc vào Nam, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có chỉ đạo tới các Sở, ban, ngành và các địa phương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất.

Thái Nguyên sẽ thực hiện công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng sẽ thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản…

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tới hàng trăm dự án bất động sản đang triển khai, trong đó có nhiều dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chưa được phép bán. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng đã có nhiều trường hợp lách luật tinh vi như: Đặt cọc, đặt chỗ, thoả thuận đặt mua, hợp đồng góp vốn, thậm chí là vay vốn…


An Vũ (Tổng hợp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem