ĐHĐCĐ Vietcombank: Trình kế hoạch lợi nhuận 43.000 tỷ đồng, lộ diện người dự kiến thay thế ông Trương Gia Bình

21/04/2023 10:11 GMT+7
Vietcombank cho biết ông Trương Gia Bình sẽ không tiếp tục đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT độc lập theo nguyện vọng cá nhân. Người dự kiến thay thế là ông Vũ Viết Ngoạn. Ông Ngoạn sinh năm 1958, hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Viet Lotus.

Sáng 21/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) tổ chức đại hội đồng cổ đồng thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2023.

Bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2023 - 2028

Tại đại hội này, Vietcombank thực hiện bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới 2023- 2028. Theo đó, ngân hàng dự kiến nâng số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 lên 11 thành viên, trong đó có 1 thành viên Hội đồng quản trị đại diện vốn nước ngoài và 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Trước mắt, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ngân hàng sẽ bầu 8 thành viên. Danh sách đề cử có các thành viên HĐQT đương nhiệm gồm: ông Phạm Quang Dũng (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Thanh Tùng (Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc), ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Hồng Quang (thành viên HĐQT).

ĐHĐCĐ Vietcombank: Trình kế hoạch lợi nhuận 43.000 tỷ đồng, lộ diện người dự kiến thay thế ông Trương Gia Bình - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, Vietcombank bầu tái cử ông Shojiro Mizoguchi, thành viên HĐQT đương nhiệm nhiệm kỳ 2018-2023, tiếp tục tham gia nhiệm kỳ mới. Ông Shojiro Mizoguchi là người đại diện vốn nhà đầu tư nước ngoài do cổ đông Mizuho đề cử.

Về thành viên HĐQT độc lập, ông Trương Gia Bình ( Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2018 - 2023), sẽ không tiếp tục đảm nhiệm chức vụ này theo nguyện vọng cá nhân.

Nhân sự thay thế theo dự kiến là ông Vũ Viết Ngoạn. Ông Ngoạn sinh năm 1958, hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Viet Lotus.

Ông Ngoạn từng là nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổ tưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank (giai đoạn 2000 – 2007).

ĐHĐCĐ Vietcombank: Trình kế hoạch lợi nhuận 43.000 tỷ đồng, lộ diện người dự kiến thay thế ông Trương Gia Bình - Ảnh 2.

Mục tiêu lợi nhuận 2023, tăng ít nhất 15% so với 2022

Về định hướng kinh doanh năm 2023, ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết ngân hàng đặt mục tiêu trọng tâm là kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo trần tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thực hiện cơ cấu danh mục theo định hướng của trụ sở chính; Điều hành công tác huy động vốn linh hoạt và tăng cường công tác quản trị rủi ro, đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ ngoại bảng;...

Một số chỉ tiêu chính dự kiến cho giai đoạn 2023 - 2028 được ban lãnh đạo Vietcombank xin ý kiến cổ đông như sau: Tăng trưởng tín dụng dự kiến từ 12 - 14%/năm; tăng trưởng tổng tài sản đạt 9 - 10%/năm; tăng trưởng huy động vốn từ 10 - 11%/năm.

Trên cơ sở chiến lược Vietcombank đến năm 2025, tầm nhìn 2030, ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh 2023 với các chỉ tiêu chính như lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022, dự kiến đạt khoảng 42.973 tỷ đồng.

Tổng tài sản tăng 9%. Dư nợ tín dụng tăng tối đa 14%. Huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) không cao hơn mức thực hiện năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.

ĐHĐCĐ Vietcombank: Trình kế hoạch lợi nhuận 43.000 tỷ đồng, lộ diện người dự kiến thay thế ông Trương Gia Bình - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, Vietcombank đã hoàn thiện nội dung phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng và đang đợi cấp thẩm quyền phê duyệt.

Trong kỳ đại hội năm trước, đại hội đồng cổ đông Vietcombank đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém, tới thời điểm hiện tại tên của tổ chức này chưa được công bố chính thức.

Trong năm 2022, ông Tùng thông tin, Vietcombank đã đạt và vượt các chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao.

Trong đó, tổng tài sản đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2021, đạt 119% kế hoạch năm 2022 do ĐHĐCĐ giao. Dư nợ tín dụng đạt 1,16 triệu tỷ đồng và tổng huy động vốn đạt 1,26 triệu tỷ đồng.

VCB tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu. Dư nợ xấu nội bảng là 7.820 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,68%, trong khi dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 24.779 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng là 317%, cao nhất ngành ngân hàng.

Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 37.368 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021 và vượt kế hoạch năm 2022 do ĐHĐCĐ giao (tăng tối thiểu 12%), tiếp tục là ngân hàng có quy mô lợi nhuận dẫn đầu thị trường.

Quy mô vốn hóa thị trường của Vietcombank đạt xấp xỉ 16,5 tỷ USD, tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất Việt Nam, lọt vào nhóm 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu.


Huyền Anh
Tags:
Cùng chuyên mục