Vietcombank quý 1/2020: "Thấm đòn" Covid-19
Lợi nhuận giảm nhẹ
Giữa đai dịch Covid-19, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một trong những đơn vị tiên phong giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vì vậy, Vietcombank được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý 1/2020 cũng như cả năm nay.
Báo cáo tài chính cho thấy, xét về mặt lợi nhuận, Vietcombank chưa phải chịu tác động quá lớn bởi đại dịch Covid-19 khi chỉ giảm rất nhẹ. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế toàn hệ trong trong kỳ đạt 4.183 tỷ đồng, giảm 528 tỷ đồng, tương đương 11,2% so với quý 1/2019.
Lãi ròng tại Vietcombank giảm nhẹ dù thu nhập lãi thuần và các thu nhập tương tự tăng từ 16.094 tỷ đồng lên 18.104 tỷ đồng. Không chỉ hoạt động tín dụng, đa số các mảng khác đều tăng trưởng dương. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng nhẹ từ 1.069 tỷ đồng lên 1.127 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối nâng mức lãi từ 928 tỷ đồng lên 1.108 tỷ đồng.
Trong khi đó, mua bán chứng khoán kinh doanh khiến Vietcombank lỗ 54 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động khác giảm rất nhẹ xuống 1.039 tỷ đồng. Hai hoạt động này không tác động quá lớn tới bức tranh chung của Vietcombank nhưng chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng vọt chính là khiến lợi nhuận của Vietcombank tăng trưởng âm.
Cụ thể, chi phí hoạt động tăng 526 tỷ đồng, tương đương 12% lên 4.910 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 646 tỷ đồng, tương đương 42,9% lên 2.152 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng mạnh
Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi tín dụng là nguyên nhân chính khiến Vietcombank tăng trưởng âm về lợi nhuận sau thuế. Trong kỳ, Vietcombank phải mạnh tay tăng chi phí dự phòng khi nợ xấu tăng vọt.
Tại thời điểm 31/3/2020, tổng nợ xấu tại Vietcombank đạt 6.192 tỷ đồng, chiếm 0,82% tổng dư nợ tín dụng.
Trong cơ cấu nợ xấu, nợ cần chú ý có tốc độ tăng mạnh nhất, tăng 2.498 tỷ đồng, tương ứng 97,5% lên 5.059 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ từ 4.530 tỷ đồng xuống 4.451 tỷ đồng. Nợ xấu tăng mạnh có thể do Vietcombank thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Lương vẫn duy trì mức cao của năm 2019
Lương tại Vietcombank cũng là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm. Ngành ngân hàng được cho là sẽ cắt giảm lương thưởng dành nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đó chưa xảy ra tại Vietcombank trong quý 1/2020. Trong kỳ, lương thưởng tại Vietcombank vẫn duy trì như năm cũ.
Cụ thể, tại thời điểm 31/3/2020, tại riêng ngân hàng, Vietcombank có 18.794 người, tăng 386 người so với hồi đầu năm. Trong kỳ, Vietcombank dành 1.925 tỷ đồng cho chi lương và phụ cấp. Như vậy, trung bình, mỗi người lao động ngân hàng được trả 102 triệu đồng/người/quý, tương đương 34,1 triệu đồng/người/tháng.
Nhân viên các công ty con của Vietcombank cũng được hưởng chế độ hấp dẫn tương tự.
Tại thời điểm cuối kỳ, toàn hệ thống Vietcombank có 19.319 nhân viên, tăng 371 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Chỉ tiêu chi lương và phụ cấp tại Vietcombank đạt 1.976 tỷ đồng, gần như không đổi so với con số 1.968 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Trung bình, mỗi người lao động được trả 102 triệu đồng/người/quý, tương đương 34,1 triệu đồng/người/tháng.
Với số liệu này, Vietcombank có thể vẫn dẫn đầu danh sách các ngân hàng trả lương cao nhất Việt Nam.
Dấu hiệu chững lại
Cùng với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng âm, Vietcombank đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy sự chững lại. Và Vietcombank có thể gặp không ít khó khăn trong quý 2/2020. Cả hai chỉ tiêu quan trọng là huy động vốn và tín dụng đều tăng trưởng rất chậm.
Chỉ tiêu tiền gửi của khách hàng tăng 5.646 tỷ đồng, tương đương 0,61% lên 934.176 tỷ đồng. Chỉ tiêu cho vay khách hàng chỉ tăng 20.051 tỷ đồng, tương đương 2,75% lên 748.996 tỷ đồng.
Dù vậy, cổ phiếu VCB đang rất thành công trong tháng 4 trên thị trường chứng khoán. Đóng cửa phiên 20/4, VCB dừng ở mức 71.900 đồng/CP, tăng 9.900 đồng/CP, tương đương 16% so với phiên 31/3. Vốn hóa thị trường Vietcombank có thêm 36.718 tỷ đồng (khoảng 1,56 tỷ USD).