Với lý do này, Trung Quốc có còn nhập mạnh cao su của Việt Nam trong năm 2022?
Giá cao su giảm mạnh do tâm lý thị trường không khả quan
Giá cao su ngày 6/1 giảm mạnh toàn thị trường châu Á. Giá cao su giảm tại thị trường Nhật Bản và Trung Quốc. Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 6/1/2021, lúc 14h00, kỳ hạn tháng 6/2022, giảm xuống mức 243,1 JPY/kg, giảm nhẹ 0,7 yên, tương đương 0,29%. Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải giảm mạnh 35 CNY, xuống mức 14.520 CNY/tấn, tương đương 0,24%. Giá cao su Nhật Bản giảm ngay cả khi giá cao su Thượng Hải giảm do nhu cầu yếu tại Trung Quốc.
Trước đó, trong tháng 12/2021, giá cao su tự nhiên tại các sàn giao dịch châu Á có xu hướng giảm chủ yếu do tâm lý thị trường không khả quan. Ngoại trừ việc đồng USD mạnh lên và cước tàu vận chuyển tăng cao đang là yếu tố tác động rõ rệt, các yếu tố còn lại vẫn đang là quan ngại, đặc biệt là thông tin tác động từ dịch bệnh toàn cầu.
Cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá đã xuống mức thấp nhất tháng vào ngày 20/12/2021 (ở mức 217,6 Yên/kg), sau đó tăng trở lại, nhưng vẫn giảm so với cuối tháng 11. Ngày 28/12/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 01/2022 giao dịch ở mức 221,3 Yên/ kg (tương đương 1,93 USD/kg), giảm 1,8% so với cuối tháng 11/2021 và giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá xuống mức thấp nhất tháng vào ngày 20/12/2021 (ở mức 13.990 NDT/tấn), sau đó tăng trở lại, nhưng vẫn giảm so với cuối tháng 11. Ngày 28/12/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 01/2022 ở mức 14.440 NDT/tấn (tương đương 2,27 USD/kg), giảm 1,7% so với cuối tháng 11/2021, nhưng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Thái Lan, giá liên tục giảm mạnh, ngày 28/12/2021, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 59,5 Baht/kg (tương đương 1,77 USD/kg), giảm 3,7% so với cuối tháng 11/2021 và giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá cao su đang chịu áp lực bởi các yếu tố ngoài cung cầu, chủ yếu là do yếu tố tâm lý thị trường. Trong ngắn hạn, giá cao su dự báo sẽ tiếp tục giảm bởi tâm lý thị trường. Trong khi đó, yếu tố cung cầu đang hỗ trợ tích cực cho giá cao su. Mặc dù chịu nhiều áp lực tâm lý, nhưng giá cao su khó có thể giảm sâu về mức thấp như trước đây. Ngoại trừ việc đồng USD mạnh lên và cước tàu vận chuyển tăng cao đang là yếu tố tác động rõ rệt, các yếu tố còn lại vẫn đang là quan ngại, đặc biệt là thông tin tác động từ dịch bệnh toàn cầu. Khi các thông tin này tích cực hơn, thị trường cao su sẽ phục hồi và khởi sắc trở lại.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 tăng 8,7% so với năm 2020, lên 14,076 triệu tấn (thấp hơn so với mức 14,116 triệu tấn dự báo trước đó). Mặc dù sản lượng ở hầu hết các nước sản xuất bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi trong tháng 11/2021, nhưng sản lượng cao su toàn cầu dự kiến vẫn tăng. Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên, sản lượng cao su tự nhiên thế giới năm 2021 đạt 13,882 triệu tấn, tăng 2,1% so với năm 2020 (cao hơn so với mức 13,787 triệu tấn của dự báo trước).
Qua số liệu cho thấy, nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 cao hơn sản lượng khoảng 194 nghìn tấn. Cùng với việc thế giới thiếu hụt cao su tự nhiên trong năm 2021, giá dầu tăng mạnh trở lại sẽ kéo theo giá cao su khởi sắc, dự báo giá cao su sẽ tăng trở lại đến hết quý I/2022.
Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc năm 2022 có thuận lợi?
Trong tháng 12/2021, tình hình khai thác, sản xuất cao su trong nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 tại các tỉnh sản xuất chính như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương diễn biến phức tạp. Tháng 12/2021, giá mủ cao su tiểu điền được thu mua dao động quanh mức 290- 320 đồng/độ TSC, giảm 5-8 đồng/độ TSC so với cuối tháng 11/2021. Tại Bình Phước giá thu mua mủ nước của Công ty cao su Bình Long dao động ở mức 316-309 đồng/độ TSC. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 318-322 đồng/độ TSC. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động ở mức 323 đồng/độ TSC.
Theo ước tính, tháng 12/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 270 nghìn tấn, trị giá 464 triệu USD, tăng 27,8% về lượng và tăng 29,9% về trị giá so với tháng 11/2021; so với tháng 12/2020 tăng 19,4% về lượng và tăng 28,8% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.720 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 11/2021 và tăng 7,9% so với tháng 12/2020.
Năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 1,97 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 39% về trị giá so với năm 2020. Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2021, các chủng loại cao su xuất khẩu phần lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Đángchú ý, một số chủng loại như: SVR 20, cao su tổng hợp, RSS1, SVR CV50, SVR 3L, SVR CV60... xuất khẩu đã tăng mạnh cả về lượng và trị giá.
Trong 11 tháng năm 2021, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 62,2% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với gần 1,06 triệu tấn, trị giá 1,75 tỷ USD, tăng 6,2% về lượng và tăng 31,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,4% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 1,05 triệu tấn, trị giá 1,74 tỷ USD, tăng 6,7% về lượng và tăng 31,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Về giá xuất khẩu: Trong 11 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ cao su tổng hợp có giá xuất khẩu bình quân giảm. Trong đó, một số chủng loại cao su có giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Cao su dạng Crếp tăng 108,9%; Skim block tăng 46,9%; RSS1 tăng 36,5%; SVR CV40 tăng 36,1%; RSS3 tăng 31,1%; SVR CV60 tăng 30,1%...
Năm 2022, các Bộ ngành đã đưa ra kế hoạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD cho ngành cao su và Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu cao su số 1 của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 11,35 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đang là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với kim ngạch đạt 2 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021 chiếm 17,7%, tăng so với mức 15,5% của 11 tháng năm 2020.
Về chủng loại nhập khẩu: Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS: 4001) của Trung Quốc đạt 3,41 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 218,87 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 6,4% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 7,7% của 11 tháng năm 2020.
Trong thời gian này, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường như Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà… so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 11 tháng năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) đạt 4,43 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Indonesia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc. Trong 11 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 1,77 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 40% trong tổng trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 30% của 11 tháng năm 2020. Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường như Myanmar, Lào; trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia… so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc năm 2022 sẽ khó khăn hơn do chính sách kiểm soát Covid-19 của phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, mặc dù các sản phẩm của ngành cao su, đặc biệt là cao su thiên nhiên chủ yếu được tiêu thụ tại Trung Quốc-thị trường hiện không có những đòi hỏi khắt khe về chất lượng và tính hợp pháp cũng như nguồn gốc, song nhiều tín hiệu gần đây cho thấy yêu cầu của Trung Quốc đang và tiếp tục thay đổi nhanh trong tương lai. Yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc về các khía cạnh môi trường và xã hội đối với các sản phẩm nhập khẩu vào quốc gia này ngày càng chặt chẽ hơn.
Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, ngành cao su cần hướng tới mục tiêu sản xuất cao su bền vững theo tiêu chuẩn của FSC. Lý do là bởi tiêu chuẩn này được nhiều thị trường và khách hàng chấp nhận, có thể đem giá trị gia tăng cao nhất cho sản phẩm, trong khi đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về môi trường và xã hội.