Vốn cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 mới giải ngân được 2,86%, "tắc" ở đâu?

Bình Minh Thứ sáu, ngày 28/10/2022 14:30 PM (GMT+7)
Theo các đại biểu Quốc hội, việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tiến độ đề ra, trong đó, việc phân bổ, triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm.
Bình luận 0

Sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại nghị trường về tình hình kinh tế xã hội 2022, kế hoạch 2023.

 Tham gia thảo luận, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) nêu, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt tiến độ đề ra; việc phân bổ, triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm; các văn bản hướng dẫn của một số bộ, ngành còn chưa rõ; các địa phương còn lúng túng trong việc phân cấp định mức ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng; giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Lan đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn năm 2022 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia sang năm 2023. Đồng thời cũng đề nghị không vì việc kéo dài này mà giảm đi số vốn của 3 chương trình mục tiêu năm 2023 cho các địa phương để bảo đảm đúng tiến độ mục tiêu của 3 chương trình.

Vốn cho 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2022 mới giải ngân được 2,86%, "tắc" ở đâu? - Ảnh 1.

Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, việc phân bổ, triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm. Ảnh: Quochoi

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) chỉ rõ, thời gian thực hiện là 5 năm, đến nay đã 2 năm trôi qua nhưng việc thực hiện còn chậm. Như báo cáo, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư 9 tháng năm 2022 mới đạt 2,86% và sẽ tạo áp lực cho những năm cuối của giai đoạn, khó khăn cho thực hiện ở địa phương. 

Để triển khai các chương trình, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành 66 văn bản quản lý và phân cấp, phân bổ nguồn lực tổ chức thực hiện; tính cả văn bản điều hành và giải đáp các vướng mắc, khó khăn của địa phương đã là 118 văn bản.

Theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh, việc ban hành một số văn bản còn chậm, có văn bản hướng dẫn còn quy định nguyên tắc chung chung, chưa bao quát, đánh giá hết tình hình ở địa phương. Một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có hướng dẫn thực hiện. Có chương trình việc xây dựng phương án phân bổ vốn ngân sách Trung ương năm 2022 còn chậm, chưa đúng với yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu Khánh đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách đã ban hành để sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn thực hiện để bảo đảm đồng bộ, thống nhất và tăng cường việc giao trách nhiệm cho UBND tỉnh trong tổ chức thực hiện, những nhiệm vụ cụ thể chỉ trình HĐND cấp tỉnh, những nội dung thuộc về cơ chế, chính sách cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn năm 2022, đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từ Trung ương đến cơ sở.

Vốn cho 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2022 mới giải ngân được 2,86%, "tắc" ở đâu? - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh giải trình tại hội trường. Ảnh: Quochoi

Giải trình, làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, về giải ngân đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia tính đến thời điểm hiện nay được đánh giá là chậm do nhiều nguyên nhân. 

Nguyên nhân khách quan do Chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình mới, nhiều đối tượng, nhiều dự án nhỏ lẻ, manh mún; quy trình, thủ tục theo các quy định của pháp luật cũng phức tạp.

Chương trình có nhiều dự án, nhiều ngành quản lý địa bàn rộng và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở các điểm, từ cấp Trung ương đến những địa phương cũng còn hạn chế. Hệ thống văn bản, pháp luật cũng có một số nội dung chưa được điều chỉnh, hoàn thiện. 

Về nguyên nhân chủ quan, việc ban hành văn bản ở các Bộ, ngành, địa phương mặc dù đã có chỉ đạo phối hợp, nhưng cũng có những nội dung chưa được kịp thời. Công tác chỉ đạo ở các địa phương chưa thực sự quyết liệt; phối hợp để phát hiện và rà soát, sửa đổi, bổ sung nhưng bất cập thì cũng có lúc chưa kịp thời.

Thời gian tới, để thực hiện tốt Chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, Ủy ban Dân tộc sẽ tham mưu với Chính phủ thực hiện một số giải pháp cụ thể như: tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và thực hiện hoàn thiện các hệ thống văn bản hướng dẫn theo yêu cầu; kịp thời cập nhật những khó khăn để đề xuất xử lý; tăng cường kiểm tra, giám sát sự chỉ đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương; phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp, các địa phương trong quá trình tổ chức triển khai; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân kết hợp với phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động để khơi dậy, tạo sự đồng thuận của nhân dân và sự chung tay của toàn xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem