VPbank của ông Ngô Chí Dũng tăng vốn lên gần 28 nghìn tỷ và tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 30%
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank, HOSE: VPB) của ông Ngô Chí Dũng vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2019.
Lợi nhận nhích nhẹ, giải thể hoặc mở thủ tục phá sản Công ty con nếu cần thiết
Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 mà VPbank vừa công bố, năm 2019, ngân hàng này đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 373.649 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm ngoái.
Huy động và phát hành giấy tờ có giá mục tiêu tăng 15% lên 252.435 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng tăng 15% lên 265.408 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ dưới mức 3%.
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế mục tiêu của VPbank là 9.500 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 3% so với năm 2018. Tuy nhiên, nếu loại trừ đi khoản thu nhập bất thường từ phí bảo hiểm trong năm 2018 thì mức tăng là 14%.
Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, tại đại hội tới, VPbank của ông Ngô Chí Dũng sẽ trình cổ đông thông qua việc giữ lại khoản lợi nhuận chưa phân phối dưới hình thức lợi nhuận không chia và cũng không thực hiện chia các quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ... nhằm giữa lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Lợi nhuận chưa phân phối năm 2018 sau khi trích quỹ của VPbank là hơn 3.431 tỷ đồng. Quỹ dành cho đầu tư phát triển FE Credit lên tới 2.800 tỷ đồng, còn quỹ đầu tư phát triển của VPBank là 21 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận và quỹ đầu tư phát triển năm 2018 có thể được phân phối cổ tức và chia cổ phiếu thưởng lên tới 6.231 tỷ đồng.
Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này xấp xỉ 9.200 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch và tăng 13% so với cùng kỳ năm liền trước.
Tính đến thời điểm 31.12.218, tổng tài sản của VPBank của ông Ngô Chí Dũng ở mức 323.291 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch và tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng đạt 230.790 tỷ đồng, tăng 17% so với năm ngoái, tăng trưởng 95% so với kế hoạch. Huy động vốn bao gồm giấy tờ có giá đạt 219.509 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch.
Cũng liên quan tới hoạt động kinh doanh năm 2019, VPbank của ông Ngô Chí Dũng sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch cấp mới/bổ sung các nội dung hoạt động kinh doanh vào giấy phép hoạt động của VPBank, gồm: cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa; sản phẩm tiền gửi gắn kết đầu tư; hoạt động ủy thác trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán; kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh về tỷ giá, ngoại hối, tiền tệ, tài sản tài chính khác trên thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế; đại lý phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ cũng sẽ xem xét thông qua chủ trương thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết khác để thực hiện các ngành nghề kinh doanh được phép. HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua chủ trương thực hiện mua, bán, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức pháp lý, giải thể hoặc mở thủ tục phá sản Công ty con của VPBank nếu cần thiết và có lợi cho ngân hàng và các công ty con.
Trong ĐHĐCĐ lần này, VPBank cũng sẽ bầu bổ sung 2 thành viên trong Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2015 – 2020, nâng số thành viên của BKS từ 3 lên 5 thành viên.
Tăng vốn điều lệ gần 28.000 tỷ, tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 30%
Tại đại hội tới đây, HĐQT VPbank cũng sẽ trình kế hoạch bán cổ phiếu quỹ với giá ưu đãi cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên VPBank.
Cụ thể, tổng số lượng cổ phiếu quỹ được dùng để bán ưu đãi là 31 triệu cổ phần. Giá bán cổ phiếu quỹ dành cho nhân viên là 10.000 đ.cp do cán bộ nhân viên chi trả (bằng khoảng ½ thị giá). Ngân hàng sẽ dùng nguồn thặng dư vốn và quỹ đầu tư phát triển để bù đắp chêch lệch giá mua/bán cổ phiếu quỹ. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II.2019.
Các cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo lộ trình: 30% số cổ phần được giải tỏa sau 1 năm, 35% được giải tỏa sau 2 năm và 35% còn lại được giải tỏa sau 3 năm.
Cũng theo tài liệu ĐHĐCĐ, VPbank của ông Ngô Chí Dũng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ theo hướng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu mới phục vụ cho hoạt động và nhu cầu phát triển của ngân hàng.
Tổng khối lượng cổ phiếu dự kiến chào bán tối đa khoảng 260 triệu cổ phiếu, mục tiêu là tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài/vốn điều lệ lên mức tối đa 30%.
Thời gian thực hiện là trong năm 2019 hoặc năm 2020, tùy vào mức độ thuận lợi của thị trường và các thủ tục. Thời gian hạn chế chuyển nhượng của cổ phần chào bán là 1 năm. Nguồn vốn tăng thêm sẽ được dùng để đầu tư tài sản cố định, bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động của VPBank. Nếu phát hành thành công, dự kiến vốn điều lệ của VPbank sẽ tăng từ 25.299 tỷ lên gần 27.900 tỷ
VPbank của ông Ngô Chí Dũng dự kiến tăng vốn lên 27.900 tỷ
Được biết, trong năm 2018 ngân hàng này đã có 2 lần thực hiện tăng vốn điều lệ. Đợt 1 tăng vốn từ mức hơn 15.706 tỷ đồng lên gần 24.963 tỷ đồng bằng việc chia cổ tức và cổ phiếu thưởng. Đợt 2, VPBank của ông Ngô Chí Dũng tăng vốn điều lệ lên gần 25.300 tỷ đồng bằng việc phát hành gần 33,7 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ, nhân viên.
Năm qua, VPBank cũng có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước với số lượng dự kiến tối đa 15% tổng số lượng cổ phần phổ thông tại thời điểm phát hành, Tuy nhiên, có những diễn biến bất lợi của thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối quý II.2018 đến nay đối với giá cổ phiếu VPB nên HĐQT VPBank đã tạm ngừng kế hoạch này.