Vụ “đầu độc” nước sông Đà: Đừng quên trách nhiệm của Viwasupco!

23/10/2019 08:59 GMT+7
Về việc nước sông Đà bị ô nhiễm dầu thải, trao đổi với Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng có lẽ cơ quan chức năng đang quá tập trung vào việc truy tìm kẻ đổ trộm chất thải mà dần quên mất trách nhiệm rất lớn của Công ty CP nước sạch sông Đà (Viwasupco) của ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn.
Vụ “đầu độc” nước sông Đà: Đừng quên trách nhiệm của Viwasupco! - Ảnh 1.

Luật sư Bùi Đình Ứng, Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội

Liên quan đến vụ nước sông Đà bị nhiễm dầu thải, ngày 16/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án Gây ô nhiễm môi trường và bắt giữ các đối tượng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc khởi tố này là chưa đủ, bởi hành vi đổ trộm chất thải nguy hại ra môi trường đã rõ nhưng còn hành vi thiếu trách nhiệm của Công ty CP nước sạch sông Đà (Viwasupco) của ông chủ 8x nguyên Văn Tuấn đến nay vẫn chưa được làm rõ.

Xung quanh vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Đình Ứng, Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội.

Trách nhiệm Viwasupco đang dần bị lãng quên?

Thưa luật sư, hiện vụ án “Gây ô nhiễm môi trường” nước sông Đà đang được mở rộng điều tra và đã có những kết quả ban đầu. Tuy nhiên từ khi sự cố nước sông Đà bị nhiễm dầu thải xảy ra đến nay đã gần 10 ngày trôi qua, nhưng việc thể hiện trách nhiệm của mình cũng như xem xét trách nhiệm của Viwasupco từ các quan chức năng vẫn chưa được nhắc tới. Ông đánh giá thế nào về việc này?

- Chắc chắn Công ty CP nước sông Đà (Viwasupco) của ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn không thể “phủi tay’’ trách nhiệm trong vụ việc này. Việc họ chưa xin lỗi và chưa có ý kiến về việc sẽ bồi thường cho người dân cho thấy họ quá yếu kém trong việc xử lý khủng hoảng. Quan trọng hơn, Viwasupco đang có dấu hiệu thoái thác trách nhiệm, không chịu bồi thường.

Về việc vì sao trách nhiệm của công ty này chưa được nhắc đến, có lẽ các cơ quan chức năng chỉ tập trung vào việc truy tìm kẻ đổ trộm dầu thải mà quên nhắc tới Viwasupco.

Vụ “đầu độc” nước sông Đà: Đừng quên trách nhiệm của Viwasupco! - Ảnh 3.

Nước sông Đà bị nhiễm dầu thải

Phía dư luận cũng có vẻ thỏa mãn với việc đã bắt được 3 kẻ đổ trộm dầu thải cùng người đứng sau vụ việc này là bà Trang, con gái của ông chủ Công ty Gốm sứ Thanh Hà Nguyễn Đức Truyền.

Người dân Việt Nam vốn có tâm lý đám đông nhưng lại chỉ “lướt sóng” các sự việc. Nghĩa là, khi xuất hiện một diễn biến mới trong câu chuyện đó hoặc cùng lúc có thêm vụ việc ồn ào nào khác là dễ dàng cho qua vấn đề mà họ từng quan tâm. Họ không đòi hỏi xử lý rốt ráo vấn đề tồn tại khiến họ bức xúc.

Ở sự cố nước sông Đà bị nhiễm dầu thải cũng vậy, lúc phát hiện nước chứa dầu, mọi câu chuyện bắt đầu tập trung vào Viwasupco, thế nhưng đến khi các cơ quan chức năng bắt được hung thủ đổ chất thải thì lại “bẻ’’ sự quan tâm của mình sang vấn đề này.

Mọi câu chuyện đang xoay quanh chuyện lý giải nguyên nhân vì sao các đối tượng đổ trộm dầu thải, con gái ông chủ Công ty gốm sứ Thanh Hà phải chịu trách nhiệm thế nào, Công ty chứa dầu thải bị xử lý ra sao…

Và vì thế, Viwasupco dần dần bị lãng quên. Đáng lẽ cùng với việc khởi tố vụ án “Gây ô nhiễm môi trường’’, các cơ quan chức năng cũng phải xem xét rõ trách nhiệm của Viwasupco đến đâu.

Có ý kiến cho rằng, cần phải khởi tố Viwasupco về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để làm rõ trách nhiệm của công ty này khi biết nguồn nước nhiễm bẩn vẫn cung cấp cho người dân. Ý kiến của luật sư về vấn đề này thế nào?

- Việc xem xét trách nhiệm là điều chắc chắn phải làm. Bởi qua sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải, chúng ta mới bàng hoàng nhận ra, quy trình sản xuất nước sạch của Viwasupco có vấn đề và chắc các công ty khác cũng vậy. Doanh nghiệp bán nước sạch nhưng không qua công đoạn xử lý, kiểm tra nào mà chỉ thả hợp chất clo để tẩy rồi bán thẳng cho dân?

 
Vụ “đầu độc” nước sông Đà: Đừng quên trách nhiệm của Viwasupco! - Ảnh 5.

Sự việc nước sông Đà bị ô nhiễm nhưng vẫn bán nước cho dân đến nay Viwasupco hay ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn vẫn chưa có lời xin lỗi nào đến người tiêu dùng

Trong hợp đồng là nước sạch mà công ty lại cung cấp nước không đảm bảo chất lượng thì phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm này. Cần xác định người dân đã dùng nước chứa dầu thải trong bao nhiêu ngày, hậu quả xảy ra, tổn hại sức khỏe như thế nào… để tính toán bồi thường dân sự.

Thậm chí, nếu hậu quả nghiêm trọng, có hành vi vi phạm, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự phải khởi tố, truy tố.

May đây chỉ là dầu thải và người dân còn có thể phát hiện qua mùi khét bốc lên, chứ nó là một chất độc chết người không mùi, không vị thì chúng ta không còn cơ hội ngồi đây để bàn về trách nhiệm của Viwasupco nữa.

Vì thế, các cơ quan chức năng không thể không xem xét đến trách nhiệm của Viwasupco trong vụ việc nghiêm trọng này. Còn đó là “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hay là hành vi nào khác thì trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Chúng ta cần xử lý nghiêm vụ việc này để làm gương cho các doanh nghiệp làm nước khác.

Thưa luật sư, bên lề kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, rất nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến sự cố nước sông Đà bị ô nhiễm. Có đại biểu cho rằng nếu Viwasupco của ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn không làm tốt trách nhiệm của mình thì nên tước giấy phép kinh doanh, thay thế bằng doanh nghiệp khác. Ý kiến của luật sư về việc này thế nào?

- Việc Viwasupco bán nước chứa dầu thải phải coi đó là một thảm họa và bài học đắt giá không chỉ doanh nghiệp mà cho cả các cơ quan chức năng. Như tôi đã nói ở trên, may cho chúng ta sự cố lần này chỉ là dầu thải, nếu nó là chất độc gây chết người thì sao?

Lâu nay, chúng ta thường nói đến an ninh về chính trị nhưng an ninh nguồn nước dường như không được nhắc đến. Hiện cơ quan quản lý đang phó mặc việc cung cấp nước cho doanh nghiệp, thậm chí nhiều tỉnh, tư nhân tự làm và bán nước sạch mà không có sự giám sát của cơ quan nào. Đây thực sự là một lỗ hổng rất lớn trong quản lý của chúng ta.

Vụ “đầu độc” nước sông Đà: Đừng quên trách nhiệm của Viwasupco! - Ảnh 6.

Các bể chứa nước ở khu chung cư bị nhiễm dầu thải

Theo tôi, có thể tước giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp này và thay thế bằng đơn vị khác. Tuy nhiên, nếu các cơ quan chức năng vẫn phó mặc cho doanh nghiệp tự làm mà không có bất kỳ sự giám sát nào thì kịch bản ô nhiễm nguồn nước chắc chắn vẫn xảy ra.

Cũng chính vì không coi trọng vấn đề an ninh, an toàn nguồn nước và không có kế hoạch dự phòng, nên dù nắm giữ nguồn nước liên quan đến sinh mạng của hàng triệu người dân Thủ đô, song Viwasupco đã không hề có kế hoạch ứng phó khi nguồn nước bị ô nhiễm, nên đã vô cùng lúng túng trước vụ việc xảy ra.

Vì thế, hơn lúc nào hết, vấn đề an ninh nguồn nước cần phải được cơ quan quản lý nghiêm túc xem xét lại. Đừng để đến lúc chúng ta phải nói với nhau câu “giá như”.

Viwasupco bị đối thủ “cạnh tranh’’ chơi xấu?

Xung quanh câu chuyện nước sông Đà bị ô nhiễm dầu thải, nhiều giả thiết được đặt ra như Viwasupco bị đối thủ cạnh tranh “chơi xấu”. Thậm chí, nhiều người truyền tai nhau thông tin Công ty Gốm sứ Thanh Hà đang chuẩn bị đấu thầu làm nhà máy nước sạch theo hướng bất lợi cho Viwasupco, anh có ý kiến gì về những thông tin này?

- Trong trường hợp nếu đúng có đối thủ cạnh tranh với Viwasupco mà gây ra thảm họa này thì câu chuyện không dừng lại “Tội gây ô nhiễm môi trường” nữa.

Nó sẽ là những nhóm tội khác, nghiêm trọng hơn với hành vi gây ô nhiễm môi trường và nếu là ai thì họ không thể trốn trách nhiệm. Việc đem tính mạng của hàng người ra để cạnh tranh là không chấp nhận được.

Tuy nhiên, đó chỉ là những giả thiết và cần phải đợi kết luận điều tra của các cơ quan chức năng.

Liên quan đến bồi thường, việc Công ty gốm sứ Thanh Hà thừa nhận gần 9.000 chất thải là của mình và chính con gái ông chủ công ty này đã thuê các đối tượng đi đổ dầu thải. Vậy công ty gốm sứ hay các cá nhân đổ chất thải có phải bồi thường cho người dân không?

- Việc các đối tượng đổ trộm dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước sông Đà thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm với Tội gây ô nhiễm môi trường. Còn việc gây hậu quả nghiêm trọng từ việc đổ dầu thải khiến hàng nghìn người Hà Nội bị ảnh hưởng sẽ chỉ làm tăng khung phạt chứ họ không có trách nhiệm bồi thường cho người dân.

Tương tự như vậy, như đã nói ở trên Công ty CP gốm sứ Thanh Hà có thể bị xem xét trách nhiệm trong việc quản lý chất thải của mình, nhưng đối tượng này cũng không phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại của người dân Hà Nội. Nếu Công ty CP nước sông Đà của ông chủ 8 Nguyễn Văn Tuấn muốn khởi kiện Công ty gốm sứ Thanh Hà thì đó là việc giữa hai bên.

Hơn lúc nào hết, chính quyền phải bên cạnh người dân lúc này

"Vụ việc gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Ngoài khủng hoảng về niềm tin còn thiệt hại về sức khỏe, vật chất. Vì thế, chính quyền Hà Nội cần phải bên cạnh người dân hơn lúc nào hết.

Trước mắt, tổ dân phố, UBND phường, quận phải thống kê thực tế người dân đã bỏ ra bao tiền để mua nước bình, mua nước sạch, sử dụng nước bẩn bao nhiêu m3... Sau đó tổng hợp và gửi đề nghị phía Công ty CP sông Đà (Viwasupco) của ông chủ 8x Nguyễn Văn Tuấn phải chi trả, bồi thường. Nếu không chi trả trực tiếp thì cần phải trừ vào tiền nước hàng tháng sau này", Luật sư Bùi Linh Ứng.

Ong Lý
Cùng chuyên mục