Cơ nghiệp trăm tỷ của Chủ tịch Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà Nguyễn Đức Truyền
Trước thời điểm xuất hiện thông tin về 10m3 dầu thải của Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà đổ trộm gây ô nhiễm vào nước sông Đà xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, có lẽ ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà, vẫn là một gương mặt xa lạ với công chúng và giới đầu tư.
Theo tìm hiểu của PV, ông Nguyễn Đức Truyền hiện đang giữ vai trò Chủ tịch HĐQT của nhiều công ty với số vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng.
Về Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà, tiền thân của Gốm sứ Thanh Hà là Xí nghiệp sứ Thanh Hà được thành lập năm 1977 do UBND tỉnh Vĩnh Phú nay là tỉnh Phú Thọ quản lý. Năm 1978, xí nghiệp đầu tư xây nhà máy chuyên sản xuất sứ dân dụng, sản phẩm chính là bát, đĩa, ấm chén.
Năm 1988, Nhà nước xóa bỏ cơ chế quản lý bao cấp, Xí nghiệp sứ Thanh Hà bắt đầu tự chủ tổ chức sản xuất kinh doanh, hạch toán độc lập. Tới tháng 10/2004, UBND tỉnh Phú Thọ quyết định chuyển đổi công ty từ DNNN sang công ty cổ phần với 100% vốn điều lệ bán cho người lao động trong công ty.
Sau đó không lâu, Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà có tên giao dịch tiếng Anh là THANH HA CONSTREXIM JOINT STOCK COMPANY (Viết tắt: TH CONSTREXIM) chính thức xuất hiện trên thị trường.
Doanh nghiệp có giấy phép đăng ký kinh doanh: số 1803000254 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ cấp ngày 6/12/2004.
Bên cạnh Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà, ông Nguyễn Đức Truyền cũng được biết tới với vai trò đại diện pháp luật tại Công ty CP gốm sứ CTH có trụ sở tại xã Thanh Vinh, tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, doanh nghiệp được thành lập ngày 24/3/2007 với vốn điều lệ ban đầu là 35 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà chiếm tỷ lệ vốn lớn nhất.
Sau đó, Công ty CP gốm sứ CTH tăng vốn điều lệ lên 90 tỷ đồng vào năm 2013, rồi 165 tỷ đồng vào năm 2018. Mới đây nhất, theo công bố thay đổi nội dung đăng ký của doanh nghiệp vào ngày 18/4/2019, vốn điều lệ của Công ty CP gốm sứ CTH đã tăng lên 168 tỷ đồng, song doanh nghiệp không nêu rõ tỷ lệ cổ phần sở hữu của Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà và các cá nhân khác.
Liên quan đến Công ty CP gốm sứ CTH, hồi tháng 5/2019, Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh về việc người dân cung cấp các chứng cứ là hình ảnh quay chụp thể hiện: Nước thải đen đặc xả trực tiếp ra môi trường được Công ty Cổ phần Gốm sứ CTH (Phú Thọ) để lắng đọng sau đó xử lý bằng cách lấy đất lấp đi; các cột khói đen đặc quánh, bốc mù mịt cả một vùng khiến người dân tưởng hỏa hoạn...
Tuy nhiên, phía Công ty Cổ phần Gốm sứ CTH và chính quyền địa phương khẳng định những nội dung người dân tố là sai sự thật cũng như khẳng định Công ty hoạt động đúng pháp luật...
Ngoài ra, vợ ông Nguyễn Đức Truyền là bà Phạm Thị Lụa (SN 1966) hiện là giám đốc Công ty TNHH Việt Đức có trụ sở tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Công ty do bà Lụa làm giám đốc trước đây hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Ngoài ra, Công ty TNHH Việt Đức còn được biết đến là chủ đầu tư dự án chợ đô thị phía đông TP. Hải Dương.
Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp là Sản xuất sản phẩm gốm sứ khác. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có các ngành nghề kinh doanh như sản xuất sản phẩm từ plastic, xây dựng nhà các loại, xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, xây dựng công trình công ích, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác, vận tải hàng hóa bằng đường bộ.
Trong hoạt động kinh doanh, ông Nguyễn Đức Truyền từng có mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực du lịch với ông Nguyễn Hoài Nam, CEO Tập đoàn Berjaya Việt Nam.
Cụ thể, vào tháng 5/2018, nhóm doanh nhân này đã thành lập ra Công ty CP đầu tư và du lịch Trẻ có trụ sở tại quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.
Công ty này có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, lập ra với mục đích kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Trong đó, ông Nguyễn Hoài Nam nắm 50% tỷ lệ sở hữu, và vợ chồng ông Nguyễn Đức Truyền sở hữu 50% còn lại. Song chỉ say hơn 1 năm, Công ty CP đầu tư và du lịch Trẻ đã phải giải thể.