"Vua tôm" Lê Văn Quang: Giá tôm sẽ tăng mạnh trong tháng 8/2021
Sáng nay 17/6, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến với 37 cổ đông tham dự, đại diện cho 184 triệu cổ phiếu, tương ứng với 92,44% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình.
Theo tài liệu công bố, chỉ tiêu doanh thu của công ty là 15.774 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.092 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 62% so với năm ngoái.
Về kế hoạch cổ tức, cổ đông thông qua phương án cho năm 2020 là 20% tiền mặt (2.000 đồng/cp), tương đương số tiền chi trả khoảng 400 tỷ đồng. Sang năm 2021, kế hoạch chia cổ tức dự kiến tỷ lệ 50 - 70%.
Tại đại hội, cổ đông đã thông qua kế hoạch bán 633.170 cổ phiếu quỹ cho người lao động theo chương trình ESOP, tỷ lệ chào bán là 0,32% với giá bán cố định là 10.000 đồng/cp.
Ngoài ra, cổ đông Minh Phú đã miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của ông Osada Tsutomu và bầu ông Tsukahara Keiichi là Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị MPC cho biết, trong năm 2021, doanh nghiệp sẽ giữ vững thị trường xuất khẩu (Mỹ, EU, Nhật Bản) và mở rộng thị trường mới, phát triển chuỗi giá trị tôm theo 5 mô hình chính: con giống (quyết định hơn 60% thành công của nuôi tôm); khu phức hợp nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao; khu phức hợp nuôi tôm sú quảng canh; khu phức hợp nuôi tôm sú rừng đước hữu cơ; khu phức hợp nuôi tôm sú - lúa hữu cơ. Mục tiêu đến năm 2045 của MPC là chiếm lĩnh 25% thị phần tôm thế giới.
Tại ĐHCĐ thường niên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MPC nhận định giá tôm trong thời gian tới sẽ tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt.
Theo đó, Ấn Độ đang chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19 và nguồn cung dự kiến giảm 50% còn 350.000 tấn.
"Không một quốc gia nào có thể bù đắp được lượng sụt giảm này do đó nguồn cung thời gian tới sẽ thiếu hụt kéo theo giá tôm tăng liên tục từ tháng 5 đến nay.", ông Quang nói.
Đại diện Minh Phú dự đoán giá tôm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10 bởi đây là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh việc chế biến để kịp các dịp lễ cuối năm như Giáng Sinh, năm mới.
"Ngay từ tháng 5, tôi đã chỉ đạo không vội ký hợp đồng bán, ngoại trừ các khách hàng thân thiết vì giá sẽ còn tăng", ông Quang nói.
Tuy nhiên, ông Quang cho biết việc cước vận tải và chi phí thuê container tăng chóng mặt sẽ là rủi ro lớn đối với giá bán tôm của Minh Phú bởi chi phí này biến động liên tục và mạnh do thiếu nguồn cung nên công ty khó hoạch định vào giá bán.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù vụ thu hoạch tôm đầu tiên trong năm của Ấn Độ vẫn chưa thành công, nhưng việc thu hoạch một phần sản lượng sớm có nghĩa là có khả năng nguồn cung tôm cỡ lớn sẽ ít hơn trong những tháng tới.
Do đó, giá tôm cỡ 20 con và 30 con/kg dự kiến sẽ tăng do có thể bị thiếu hụt nguồn cung vào quý III.
Với tình hình khủng hoảng y tế hiện nay ở Ấn Độ, rất ít dự đoán rất ít người nuôi tích trữ tôm trong mùa hè, dẫn đến nguồn cung tiếp tục giảm mạnh.
Tuy nhiên, nếu tình hình quốc gia được cải thiện trong vài tuần tới, nhiều nông dân có thể sẽ giữ tôm nuôi lâu hơn.
Các trang trại ở bờ biển phía đông vẫn còn vài tuần nữa mới có tôm lớn tới cỡ 20/30 con.
Theo Sebastian Jacob, Giám đốc điều hành của công ty xuất khẩu Continental Seafoods, các nhà máy tôm đang tìm kiếm nguồn cung cấp tôm cỡ lớn cho thị trường Mỹ nhưng khó kiếm được. Trong vòng hai tuần tới, Ấn Độ sẽ rất thiếu hụt tôm cỡ lớn
Chính các chuyên gia ngành tôm Ấn Độ đã xác định, năm nay sẽ là một năm thực sự khó khăn: thiếu container lạnh, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng gấp 3 lần, giá nhiên liệu tăng, phí đóng gói và nhân công tăng, đồng rupee Ấn Độ mạnh lên so với đô la Mỹ, chính phủ loại bỏ các ưu đãi xuất khẩu - tất cả các yếu tố này đã ảnh hưởng rất xấu đến các nhà chế biến thủy sản của Ấn Độ.
Làn sóng COVID-19 mới rất kinh khủng tại Ấn Độ sẽ là một bóng mây u ám với ngành sản xuất thủy sản của Ấn Độ, chủ yếu là tôm.
Tình hình mất kiểm soát tại nước này có thể dẫn đến sự rối loạn về nguồn cung và giá khi người nuôi vội vã thu hoạch tôm sớm, các nhà máy chế biến sẽ không xử lý kịp trong bối cảnh giãn cách hiện nay.