WB: "Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang thi đấu trong nhóm hạng nhẹ"
Phát biểu tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chiều 22/4, ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Canh Tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, quy mô thị trường của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm Thị trường Cận biên.
"Thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trọng số trên 30% trong Chỉ số Thị trường Cận biên Toàn cầu của MSCI. Đây là trọng số lớn nhất; tiếp theo là Maroc là 10%. Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ", ông Zafer Mustafaeglu nhận định.
Cũng theo ông Zafer Mustafaeglu, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực nâng cấp thành Thị trường Mới nổi. Điều đó không chỉ đem lại cải thiện về chất lượng mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam.
Ví dụ trên thị trường cổ phiếu, nâng cấp thành Thị trường Mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2-5 tỷ.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả đầy hứa hẹn đó, Việt Nam cần phải có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động hiệu quả - theo đại diện WB.
Đề cập về những nhiễu loạn trên thị trường hiện nay, đại diện WB lưu ý rằng, thị trường Việt Nam còn tương đối non trẻ. Vì vậy, sai sót là hoàn toàn có thể xảy ra.
"Tuy nhiên, quan trọng hơn là cách thức chúng ta học hỏi từ sai sót, chứ không nên đóng cửa chỉ vì chúng ta có một vài thành viên xấu, không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn", ông Zafer Mustafaeglu nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, theo vị chuyên gia này, Việt Nam nên cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng cấp thành Thị trường Mới nổi. Điều này có nghĩa là Việt Nam cũng cần mở hơn nữa với các nhà đầu tư gián tiếp trên quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng thị trường. Thông tin phải kịp thời, đáng tin cậy và dễ tiếp cận hơn.
Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp làm tăng nguồn cung chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường sâu hơn, đa dạng hơn, sẽ làm giảm cơ hội thao túng và trục lợi.
Cuối cùng, thị trường vốn là phần lõi trong một hệ thống tổng hợp. Thị trường có tương tác với các bộ phận khác của hệ thống.
Chẳng hạn, ngân hàng thương mại là thành viên quan trọng trên thị trường vốn ở tất cả các khía cạnh. Nhiều ngân hàng đang phát hành chứng khoán, như vậy họ là bên phát hành, nhiều ngân hàng là nhà đầu tư (họ mua trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp) và nhiều ngân hàng là tổ chức trung gian (tư phát hành, lưu ký và cung cấp dịch vụ phân phối trái phiếu doanh nghiệp). Vì vậy, chính sách trong ngành ngân hàng cũng ảnh hưởng đến thị trường vốn và ngược lại.
Tương tự, chính sách trên thị trường vốn đôi khi không thể hiệu quả nếu không được hài hòa với chính sách trong ngành ngân hàng...
Thị trường vốn Việt Nam đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021.
Hiện tại, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015; trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8%GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7%GDP (trong đó trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và TPDN là 14,2% GDP).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc