Xây dựng và Thương mại Lam Sơn báo lãi tăng vọt, nợ phải trả hơn 1.430 tỷ đồng

25/07/2024 19:02 GMT+7
6 tháng đầu năm, Xây dựng và Thương mại Lam Sơn báo lãi tăng vọt so với cùng kỳ năm trước, từ 760,3 triệu đồng lên 8,8 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của CTCP Xây dựng và Thương mại Lam Sơn (gọi tắt là Xây dựng Thương mại Lam Sơn) ghi nhận 1.162,8 tỷ đồng, giảm 15% so với kỳ trước.

Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu tăng từ 1,01 lần lên 1,23 lần, tương ứng tổng nợ phải trả của Xây dựng Thương mại Lam Sơn là 1.430,2 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu/ vốn chủ sở hữu cũng tăng nhẹ so với kỳ trước, từ 0,13 lần 0,14 lần, tức dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp là 162,8 tỷ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Xây dựng Thương mại Lam Sơn báo lãi sau thuế 8,8 tỷ đồng, gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2023 (760,3 triệu đồng). Qua đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) tăng từ 0,06% lên 0,76%.

Xây dựng và Thương mại Lam Sơn báo lãi tăng vọt, nợ phải trả hơn 1.430 tỷ đồng- Ảnh 1.

Một số chỉ tiêu tài chính của Xây dựng Thương mại Lam Sơn. Biểu đồ: Etime tổng hợp.

Cập nhật tại Cbonds.hnx cho thấy, Xây dựng Thương mại Lam Sơn có duy nhất lô trái phiếu LAMSON.H.20.30.001 đang lưu hành. Trái phiếu này được phát hành ngày 29/8/2020 và đáo hạn ngày 29/8/2030.

Hiện, lô trái phiếu này còn 162 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành, được lưu tại CTCP Chứng khoán An Bình với lãi suất phát hành là 9,5%/năm.

Theo báo cáo về kết quả đợt phát hành trái phiếu, lô trái phiếu LAMSON.H.20.30.001 có giá trị phát hành là 230 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này bao gồm toàn bộ giá trị nhà máy thủy điện và toàn bộ quyền thụ hưởng của Chủ đầu tư đối với Nhà máy thủy điện Chiềng Công 1&2.

Xây dựng Thương mại Lam Sơn có gì?

Thông tin tại website cho thấy, Xây dựng Thương mại Lam Sơn được thành lập năm 1999 trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty TNHH xây dựng và thương mại Lam Sơn.

Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Xây dựng Thương mại Lam Sơn là đầu tư và xây dựng thủy điện, sản xuất điện bán cho Tổng công ty điện lực Miền Bắc và xây dựng các công trình đường giao thông, thủy lợi, và các công trình dân dụng khác, kinh doanh bến xe.

Hiện tại, Xây dựng Thương mại Lam Sơn có 1 doanh nghiệp hoạt động tư vấn về năng lượng - xây dựng; 1 doanh nghiệp chuyên thi công xây dựng các nhà máy thủy điện; 1 doanh nghiệp chuyên xây dựng dân dụng và 6 doanh nghiệp vận hành các nhà máy thủy điện.

Xây dựng và Thương mại Lam Sơn báo lãi tăng vọt, nợ phải trả hơn 1.430 tỷ đồng- Ảnh 2.

Biến động vốn điều lệ của Xây dựng Thương mại Lam Sơn. Biểu đồ: Etime tổng hợp.

Tuy nhiên, dữ liệu tại cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Xây dựng Thương mại Lam Sơn được thành lập ngày 10/8/2007. Hiện, ông Trương Đình An (SN 1990) là Tổng Giám đốc Xây dựng Thương mại Lam Sơn. Còn ông Trường Đình Lam (SN 1964) là Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp.

Dữ liệu cho thấy, ông Lam và ông Đức cũng từng là cổ đông lớn tại Xây dựng Thương mại Lam Sơn. Đơn cử, tại báo cáo thay đổi ngày 26/6/2016, Xây dựng Thương mại Lam Sơn tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Tại thời điểm này, ông Lam và ông Đức, lần lượt sở hữu 40% và 35% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này. Hoặc như thay đổi ngày 29/8/2018, Xây dựng Thương mại Lam Sơn tăng vốn điều lệ từ 645 tỷ đồng lên 837,94 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập theo dữ liệu cho thấy, ông Lam sở hữu 57,55% vốn điều lệ. Còn ông An sở hữu 29,076% vốn điều lệ.

Tại thay đổi gần nhất ngày 8/1/2024, vốn điều lệ của Xây dựng Thương mại Lam Sơn giảm còn 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

Linh Anh
Cùng chuyên mục