Xin trả vốn đầu tư công: Những điểm nên mừng
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 diễn ra vào ngày 21/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cơ quan này nhận được văn bản đề nghị từ 9 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương xin chuyển trả lại 6.338 tỷ đồng vốn đầu tư công để điều chuyển cho nơi khác.
Trong số này, vốn trong nước 341,6 tỷ đồng, vốn nước ngoài gần 5.996,5 tỷ đồng.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, mỗi cơ quan, đơn vị có lý do khác nhau khác nhau để đề nghị trả vốn và đương nhiên các đơn vị này phải có giải trình cụ thể. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, ông cho rằng nhiều bộ, cơ quan Trung ương, địa phương xin trả lại vốn đầu tư công là chuyện vừa bình thường vừa không bình thường.
Không bình thường ở chỗ các ngành, địa phương thường kêu thiếu vốn, không được đầu tư, thì giờ đây, khi vốn đã sẵn sàng, Việt Nam cũng đang cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần giữ vững tăng trưởng kinh tế thì nhiều nơi lại xin trả lại.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, việc xin trả lại vốn đầu tư công cũng là chuyện bình thường khi các bộ ngành, địa phương thấy rằng dự án đó không có hiệu quả, nếu cứ "nhắm mắt làm liều" thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm.
"Một thời gian dài trước đây, nhiều địa phương, bộ ngành nghĩ rằng cứ xin được các dự án đầu tư thì sẽ có thêm nguồn vốn, giải quyết công ăn việc làm, tạo sự thay đổi về bộ mặt, năng lực sản xuất kinh doanh của địa phương hay bộ ngành mình. Từ đó, họ thi nhau xin các dự án, kể cả dự án vốn đầu tư trong nước lẫn dự án vay vốn ODA nước ngoài một cách rầm rộ, ồ ạt.
Thế nhưng, gần đây, cùng với việc siết chặt Luật Đầu tư công, quá trình chống tham ô lãng phí, chống tham nhũng, đặc biệt là việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu các dự án đầu tư công bị chậm trễ, không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước được đẩy mạnh thì các nơi đã nghiêm túc rà soát lại các dự án.
Khi rà soát lại, họ mới thấy nhiều dự án không có hiệu quả, hoặc có thể hiệu quả thấp, không đáp ứng được yêu cầu, cũng có thể đó chỉ là dự án vẽ ra để tiêu tiền, nếu cứ tiếp tục thì chính người đứng đầu các bộ ngành, địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm nên quyết định dừng dự án lại", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
Vị chuyên gia cho rằng, việc trả lại vốn đầu tư công có hai mặt: một mặt, nó gây xáo trộn kế hoạch, chương trình đầu tư của Nhà nước, đặc biệt đối với các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài có thể khiến quốc gia, đơn vị cho vay vốn có cái nhìn không thiện cảm với Việt Nam.
Tuy nhiên, mặt khác mang ý nghĩa tích cực hơn, đó là nếu đầu tư mà hiệu quả không có, hoặc rất thấp, gây lãng phí vốn nên dừng lại là tốt nhất. Việc dừng lại còn có ý nghĩa quan trọng hơn, đó là từ nay việc rà soát, thẩm định các dự án đầu tư công sẽ được làm cẩn trọng, tỉ mỉ, chặt chẽ hơn, từ đó việc xét duyệt các dự án đầu tư công không phải là tiêu "tiền chùa" nữa mà phải đi vào nề nếp.
Nếu Việt Nam giải thích rõ ràng, minh bạch với các nhà đầu tư, người cấp vốn nước ngoài để họ thấy rằng, Việt Nam đang nghiêm túc siết chặt kỷ cương, chấp hành quy trình thẩm định, xét duyệt, thực thi dự án, có trách nhiệm với đồng vốn đi vay và coi hiệu quả sử dụng vốn là cao nhất thì đây lại là cơ hội để nâng cao uy tín của Việt Nam về hoạt động đầu tư trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhấn mạnh quan điểm không thể giải ngân vốn đầu tư công bằng mọi giá để duy trì tăng trưởng kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đối với những khoản đầu tư công bằng vốn trong nước, Việt Nam có thể tập trung nguồn lực cho những dự án mới thực thi trong thời gian gần đây, như dự án cao tốc Bắc-Nam, hay một số dự án đầu tư công trọng điểm
Còn dự án liên quan đến vốn vay ODA, việc điều chuyển vốn sang dự án khác không dễ, tuy nhiên thà đẩy mạnh đầu tư ở dự án có hiệu quả, có khả năng hoàn thành, từ đó có thể phát huy hiệu quả với nền kinh tế một cách tốt nhất còn có ích hơn là chỉ hy vọng lấy tăng trưởng GDP.
"Phải lấy hiệu quả đầu tư làm mục tiêu hàng đầu, không phải vì sức ép tăng trưởng GDP, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, Việt Nam chỉ cần giữ được tăng trưởng ở mức vừa phải nhưng vượt qua được đại dịch Covid-19 đã là thắng lợi lớn", ông Thịnh nhấn mạnh.
Được biết, các bộ ngành, địa phương xin trả lại vốn đầu tư công gồm có:
9 bộ ngành: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 1.800 tỷ đồng xin trả lại với lý do "không có nhu cầu sử dụng". Cụ thể, năm 2020 Thủ tướng giao Bộ 3.638 tỷ đồng vốn nước ngoài, nhưng nhu cầu sử dụng thực tế các dự án chỉ 1.830 tỷ đồng. Vì thế, bộ đã có 3 văn bản đề nghị xin được điều chuyển số vốn không dùng tới.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ được giao hơn 2.990 tỷ vốn đầu tư công, tỷ lệ giao vốn đến thời điểm này đạt 95,1%. Việc giải ngân vốn ODA khó khăn vì từ quá trình ký kết hiệp định đến khi triển khai có nhiều thay đổi khiến việc giải ngân vốn chậm so với kế hoạch. Vì vậy, Bộ chủ động rà soát, tái cơ cấu lại một số dự án, dự án nào xã hội hóa được thì giao tư nhân làm.
Từ đó, giảm 62,6 triệu đô tương đương 1.462 tỷ đồng. Bộ cũng đã chủ động trả lại 147 tỷ đồng vốn đầu tư công và cam kết với Thủ tướng đến cuối năm sẽ giải ngân 100%.
9 địa phương: Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Cần Thơ.