Xuất khẩu cá ngừ tăng chậm lại ở các thị trường trọng điểm, DN đang nỗ lực tìm hướng mới

25/08/2021 12:04 GMT+7
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang một số thị trường trọng điểm vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ đang chậm lại. Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đang nỗ lực tìm thị trường xuất khẩu, ổn định sản xuất, cố gắng đạt tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ lên 648 triệu USD như năm 2020.

Xuất khẩu cá ngừ đang tăng trưởng chậm lại

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng trưởng cao trong tháng tư, tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam ngày càng chậm lại. Tính cả 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 420 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ 2020.

Mỹ là thị trường xuất khẩu chính cá ngừ của Việt Nam. Tính đến hết tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đạt 153 triệu USD, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2020.

Số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, tính trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ.

Tại phân khúc thị trường filet cá ngừ đông lạnh Mỹ năm 2021, các sản phẩm của Việt Nam có giá cạnh tranh tốt và tương đối ổn định so với các nước Philippine, Indonesia, Thái Lan. Với nhóm sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp, trong năm nay giá xuất khẩu trung bình các sản phẩm từ Việt Nam có xu hướng tăng cao hơn so với các đối thủ như Thái Lan, Ecuador, Mauritius. Điều này, đang khiến Ecuador đang giành bớt thị phần của Việt Nam tại Mỹ.

Xuất khẩu cá ngừ tăng chậm lại ở các thị trường trọng điểm, DN đang nỗ lực tìm hướng mới  - Ảnh 1.

Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang một số thị trường trọng điểm vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ đang chậm lại.

Hiện tại, giá cước vận chuyển tăng mạnh, đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà cung cấp cá ngừ từ châu Á, trong đó có Việt Nam, cho thị trường Mỹ. Do đó, mặc dù xuất khẩu cá ngừ của Việt nam sang thị trường này vẫn tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.

Trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 28,6 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn so với tháng 6 trước đó.

Hiện tại, các nhà chế biến cá ngừ tại Mỹ thường mua hàng theo giá FOB mà hiện giá cước vận chuyển từ Châu Á tới Nam Mỹ tăng cao, dao động từ 2.500 – 12.000 USD/ container, đã hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực thị trường này, các lô hàng xuất khẩu sang đây bị chậm lại.

Trái với thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường EU trong tháng 7/2021 giảm 21% so với cùng kỳ năm 2020. 

Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt gần 87 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng so với cùng kỳ, nhưng từ tháng 5 trở lại đây lại có xu hướng giảm dần qua từng tháng.

Tại thị trường EU, giá cước vận chuyển tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các lô hàng xuất khẩu sang EU giảm. Thêm vào đó, việc hạn ngạch ưu đãi thuế quan đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến theo thoả thuận trong EVFTA đã được áp dụng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu sang khối thị trường này bị chậm lại.

CPTPP - khối thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của cá ngừ của Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Giá trị xuất khẩu sang khối này tiếp tục tăng so với cùng kỳ, tăng 6,5% đạt 7,4 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu qua từng tháng của năm 2021 cũng có xu hướng giảm dần.

Mở rộng thị trường sang Bắc Phi, Nam Mỹ

Ngày 18/8, ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, cho biết cả nước có 17 DN với 24 nhà máy chuyên chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương, tập trung nhiều nhất tại Khánh Hòa (17 nhà máy), còn lại ở Bình Định và Phú Yên.

Các DN đang rất nỗ lực trong việc tìm thị trường xuất khẩu, ổn định sản xuất trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cố gắng đạt tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ lên 648 triệu USD như năm 2020.

Theo ông Vũ Đình Đáp, so với 6 tháng đầu năm 2021, thị trường xuất khẩu cá ngừ đang có sự thay đổi. Hiện thị trường Trung Đông (chiếm 15% thị trường), Mỹ (chiếm khoảng 40%), EU (chiếm 14%) cơ bản vẫn giữ được ổn định. Các DN đang tìm cách mở rộng sang 2 thị trường Bắc Phi và Nam Mỹ. Đơn cử như Cộng hòa Chile, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 4 cho quốc gia Nam Mỹ này với 10 DN cá ngừ tham gia (chủ yếu ở Khánh Hòa, Bình Định).

Về sản phẩm cá ngừ xuất khẩu cũng đang có sự chuyển biến. Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU cấp hạn ngạch 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp ưu đãi với 0% thuế, các DN đang chuyển dần qua các sản phẩm cá đóng hộp thay vì xuất khẩu cá ngừ phi lê như trước đây.

Tại Khánh Hòa, Công ty TNHH Hải Vương (có 5 công ty thành viên) hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản với các sản phẩm chủ lực từ cá ngừ đại dương. Năm 2021, DN đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu khoảng 51.700 tấn sản phẩm cá ngừ đại dương và các loại cá biển.

Ông Nguyễn Văn Dư, thành viên Ban Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương, cho hay thị trường EU do vẫn còn áp thẻ vàng nên các DN chủ yếu xuất khấu cá ngừ đóng hộp. Đối với các sản phẩm khác, công ty phải nỗ lực để bảo đảm xuất khẩu đúng đơn hàng, đúng tiến độ. Tuy nhiên, việc đội giá thành sản xuất khiến các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Đông cũng gặp khó khăn, công ty đề nghị nâng giá nhưng chỉ một số ít khách hàng đồng ý. Công ty đang xúc tiến thị trường các nước ở Bắc Phi, Nam Mỹ để ổn định kinh doanh.

Dự báo những tháng cuối năm

Thành công của xuất khẩu cá ngừ trong việc vượt khó để tăng trưởng, có sự đóng góp rất lớn của top 10 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam. Các doanh nghiệp này chiếm hơn 58% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cả nước.

Tuy nhiên, VASEP dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sẽ chậm lại trong những tháng tới. Theo phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, chi phí vận chuyển tăng đang khiến cho rất nhiều đơn hàng bị dồn ứ lại không xuất khẩu được.

Bên cạnh đó, mới đây, khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM đã lan ra nhiều địa phương thì sản xuất của các doanh nghiệp cá ngừ bị ảnh hưởng do công nhân và người lao động tại các nhà máy chưa được tiêm vaccine.

Do vậy, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp cá ngừ thời điểm này chính là sớm được ưu tiên tiếp cận nguồn vaccine bởi đặc thù ngành thủy sản làm việc chủ yếu trong môi trường lạnh thì mối nguy lây nhiễm càng lớn.

Với tình hình như hiện nay, nhiều chuyên gia đang dự đoán xuất khẩu cá ngừ trong quý tới khó có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng như nửa đầu năm.



An Vũ
Cùng chuyên mục