Giá nông sản hôm nay 24/8: Nguồn cung hồ tiêu ngày càng hẹp, XK cà phê gặp khó vì phí logistics tăng cao
Giá tiêu: Dự báo sẽ tăng
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tăng nhẹ, giao dịch ở mức từ 75.000 - 79.000 đồng/kg tại các địa phương.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 75.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (75.500 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (77.000 đồng/kg); Bình Phước (78.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 79.000 đồng/kg.
Theo thống kê, tổng diện tích hồ tiêu cả nước đạt cao nhất vào năm 2017 là 153 ngàn ha thì đến cuối năm 2020 còn lại 131,8 ngàn ha. Nguyên nhân do giá tiêu liên tiếp giảm những năm qua.
Hiện điều kiện thời tiết bất lợi, lợi suất đầu tư giảm mạnh dẫn đến sản lượng của niên vụ 2019 - 2020 chỉ 240 ngàn tấn; niên vụ 2020 - 2021 ước tính giảm tới 30% so với niên vụ trước.
Ghi nhận ở Gia Lai, hiện có khoảng 13.673 ha, trong đó có khoảng 12.582 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Qua khảo sát thực tế cho thấy, do ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh và suất đầu tư chăm sóc cho vườn cây giảm mạnh nên sản lượng niên vụ 2020 - 2021 thấp hơn so với trước.
Trả lời Báo Gia Lai, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê Hoàng Phước Bính nhận định, thị trường hồ tiêu đang ở trạng thái giảm về sản lượng, tăng về giá trị xuất khẩu.
Ông Bính cho rằng: "Mặc dù giá hồ tiêu đang tăng lên, người trồng không còn bị lỗ và khả năng sẽ có giá tốt hơn trong tương lai, nhưng chúng ta cần nhìn nhận thực tế rằng, tình hình dịch Covid-19 đang làm đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa, chi phí vận chuyển tăng.
Một số doanh nghiệp ký bán trước giá 40-55 ngàn đồng/kg nay phải mua với giá trên 70 ngàn đồng/kg để giao hàng theo hợp đồng sẽ gặp khó khăn. Hoặc ngược lại có tình trạng doanh nghiệp tranh thủ chốt lời đẩy hàng lưu trữ nên khả năng giá cả thay đổi trong thời gian ngắn…
Chúng tôi nhận định đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, giá hồ tiêu sẽ tốt dần lên, khả năng có thể đạt 90-100 ngàn đồng/kg''.
Trên thị trường thế giới, The Star đưa tin, ông William SC Yii, Giám đốc Công ty Nguong Aik Sdn Bhd (Kuching, Malaysia), dự đoán rằng: “Sản lượng tiêu của Malaysia sẽ giảm ít nhất 40% so với con số chính thức của năm 2020 khoảng 16.000 - 17.000 tấn”.
Theo nhận định của ông, nguồn cung hạt tiêu của Malaysia sẽ vẫn duy trì ở mức thấp và còn giảm trong hai năm tới. Trong đó, sản lượng tiêu trắng eo hẹp hơn tiêu đen vì quá trình sản xuất tiêu tốn nhiều thời gian hơn.
Ông William SC Yii cũng chỉ ra rằng, nhiều nông dân trồng tiêu đang có xu hướng tích trữ một lượng tiêu lớn với hy vọng sẽ có thu nhập cao hơn khi giá tăng thêm.
Duy chỉ có những người cần tiền mặt nhanh chóng để mua các vật dụng thiết yếu hàng ngày là bán ra hồ tiêu, song cũng chỉ với số lượng nhỏ.
Giá cà phê: Xuất khẩu gặp khó vì phí logistics tăng cao và làn sóng COVID-19 thứ 4
Tờ Doanh nghiệp Niêm Yết đưa tin, Cục Xuất nhập khẩu báo xuất khẩu cà phê thời gian tới của Việt Nam sẽ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực do làn sóng COVID-19 lần thứ 4 trong nước. Ngoài ra, cước phí vận tải tăng cao cũng làm giảm sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 15 ngày đầu tháng 8, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Xuất khẩu cà phê giảm 17% về lượng và giảm 13% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 7, giảm 9,9% về lượng và tương đương về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 8/2020, đạt 47,14 nghìn tấn, trị giá 93 triệu USD.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1 triệu tấn, trị giá 1,9 tỷ USD, giảm 8,2% về lượng và giảm 0,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cục Xuất nhập khẩu báo xuất khẩu cà phê thời gian tới của Việt Nam sẽ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực do làn sóng COVID-19 lần thứ 4 trong nước.
Trên thế giới, biến thể virus mới bùng phát cũng khiến sự phục hồi kinh tế thế giới bị ảnh hưởng. Số liệu mới công bố cho thấy, dữ liệu kinh tế Trung Quốc yếu hơn, trong khi tăng trưởng kinh tế Mỹ không như kỳ vọng.
Hiện nay, nhu cầu cà phê toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao bất chấp giá tăng mạnh. Tuy vậy, hạn chế lớn nhất đối với xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong thời gian tới vẫn là tình trạng thiếu container và chi phí vận chuyển tăng cao, đặc biệt là các tuyến đi Mỹ và châu Âu.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam đang có giá khoảng 1.900 USD/tấn (FOB) và Brazil nhỉnh hơn với khoảng 2.000 USD/tấn (FOB).
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, cước vận chuyển đi Mỹ và EU hiện tại tăng liên tục dao động 2 tuần 1 lần và mức tăng không báo trước, có những lúc lại tăng đột biến.
Mỹ luôn luôn mua hàng với điều kiện CNF (giá đã bao gồm tiền hàng và cước phí), như vậy rủi ro về chi phí vận chuyển đều do doanh nghiệp Việt Nam gánh chịu.
Thời hạn ký hợp đồng giao hàng luôn luôn dao động từ 1 tháng trở lên. Doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn hàng nhưng với khâu vận chuyển thì ngược lại.
Có thời điểm, trong vòng 1 tháng doanh nghiệp cũng không thể tìm được xác nhận chỗ trên tàu để tiến hàng giao hàng và đến khi tìm được Booking thì giá vận chuyển đã tăng thêm hơn 1.500 USD/1 container 40 feet.
So với thời điểm 2020, cước vận chuyển đi EU thường ổn định ở mức 800-1.200 USD cho 1 container 40 feet, nhưng bây giờ tăng trên 11.000 USD, tức là tăng 12-13 lần so với mức giá đầu năm 2020.
Cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000-3.000 USD cho 1 container 40 feet từ đầu năm 2020 đến nay tăng lên 13.500 USD, tức là tăng 5-6 lần.
Trong khi đó, giá cước vận tải từ Brazil tới Mỹ chỉ khoảng 4.000 USD/container tăng từ khoảng 1.500 USD - 2.000 USD/container trước đại dịch.
Điều này khiến cho cà phê của Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm của Brazil hay các nước Nam Mỹ khác.