Xuất khẩu cá tra có thể phục hồi hoàn toàn vào quý 3
Xuất khẩu cá tra giảm 39%
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giảm mạnh. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm đạt 456 triệu USD, giảm tới 39% so với cùng kỳ năm 2019.
Số liệu của Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho thấy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 đến các thị trường chủ lực đều giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự sụt giảm quá nhanh khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phụ thuộc vào các thị trường này gặp rất nhiều khó khăn. Việc này đã tác động tới sản xuất cá tra nguyên liệu.
Trước tình hành này, nhiều chuyên gia đánh giá kim ngạch xuất khẩu cả tra của Việt Nam năm nay sẽ giảm nhiều so với năm ngoái. Các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… khó có thể phục hồi ngay sau khi hết dịch. Xuất khẩu cá tra trong Quý II khó có thể thoát khỏi mức tăng trưởng âm.
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, trong tương lai gần, ngành cá tra Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn do có nhiều đối thủ cạnh tranh tiềm năng.
Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 là khoảng thời gian hết sức trở ngại với ngành cá tra. Giá cá nguyên liệu giảm mạnh, chỉ ở mức 18.000-19.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất từ 22.000-23.000 đồng/kg. Mỗi kilogam cá bán ra, người nuôi lỗ khoảng 4.000 đồng.
Có thể phục hồi từ quý 3
Tuy nhiên, ngành chức năng dự báo những gián đoạn trong chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 chỉ mang tính nhất thời. Các hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến sẽ phục hồi sau khi dịch được kiểm soát. Dự báo, khả năng ngành hàng cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý 3.
Năm 2020, sản lượng nuôi cá tra cả nước dự kiến đạt 1,42 triệu tấn. Diện tích nuôi lũy kế dự kiến đạt 6.600 ha. Chỉ tiêu tăng trưởng ngành thủy sản năm 2020 dự kiến đạt 10 tỷ USD gồm tôm, cá tra, hải sản.
Thông tin trên TTXVN, ông Trần Đình Luân (Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản) cho biết để sớm lấy lại tăng trưởng, ngành sẽ tăng cường kiểm soát điều kiện nuôi trồng thủy sản và chất lượng vật tư đầu vào, cấp mới/cấp lại mã số nhận diện ao nuôi theo quy định.
Cạnh đó, người nuôi, doanh nghiệp chế biến cần tham gia chuỗi liên kết để sản xuất theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng dư nguồn cung cá nguyên liệu hoặc thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.
Ngành sẽ chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra điều kiện và cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất ương dưỡng giống cá tra nhằm nâng cáo chất lượng giống.
Đồng thời, ngành cũng theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ. Các doanh nghiệp tìm kiếm thị trưởng mới, chuyển hướng thị trường xuất khẩu thay vì tập trung vào một số thị trường chính.
Ngành xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biển - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Hệ thống truy xuất điện tử này của doanh nghiệp chế biến có thể kết nối với hệ thống quản lý ao nuôi của cơ quan quản lý thủy sản.