Kiếm trăm triệu đồng mỗi năm nhờ ương cá bớp giống
Giàu lên nhờ ương cá bớp giống
Với những ai đã từng đặt chân đến vùng ven biển xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), hẳn nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trước đây nay đã “lột xác” thành các vùng nuôi, ương cá bớp giống hiệu quả cao.
Nếu như năm 2015, thời điểm người dân bắt đầu triển khai nghề nuôi, ương cá bớp giống, trên địa bàn chỉ có 6 cơ sở ương cá bớp giống thì nay, toàn xã đã có hàng chục cơ sở. Không ít hộ dân “bỏ túi” hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình này.
Một người ương cá bớp giống ở xã Ninh Ích cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng liên tiếp thua lỗ vì môi trường ngày càng ô nhiễm, tôm nuôi phát sinh dịch bệnh nhiều. Sau đó, một số hộ nuôi tôm trong vùng mạnh dạn chuyển sang ương nuôi cá bớp giống. Thấy có lãi nên tôi cũng làm theo”.
Được biết, cá bớp hiện đang nằm trong top danh sách các loại cá được nuôi nhiều nhất ở Việt Tam. Với nhiều đặc tính vượt bậc, cá có tốc độ phát triển nhanh và giá trị kinh tế khá cao, giúp cho nhiều hộ dân giàu lên trông thấy.
Theo nhiều người dân địa phương, cá bớp giống dễ ương, dễ nuôi, cho lãi cao, thị trường tiêu thụ rộng nên người dân trong vùng mạnh dạn đầu tư. Khi đầu ra thuận lợi, mỗi hộ nuôi xuất bán hàng chục ngàn con cá bớp giống, trừ chi phí, lợi nhuận đạt hơn 100 triệu đồng. Đây được coi là “lối thoát mới” khi nghề nuôi tôm nhiêu bấp bênh hơn.
Thông tin trên báo Nông nghiệp ngày 8/6, ông Phạm Ngọc Khánh (Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích) cho biết hiện diện tích nuôi tôm bán công nghiệp trên địa bàn không đáng kể, chỉ còn vài hộ nuôi. Hầu hết chuyển sang nuôi tôm theo hình thức quảng canh hay nuôi xen cá, cua...
Một số diện tích ao nuôi cũng đã chuyển sang hẳn ương nuôi cá giống gồm cá mú, cá chim cá bè, song chủ yếu là cá bớp. Nghề nuôi ương cá bớp giống được người dân triển khai từ năm 2015. Đầu tiên, họ nhập trứng về ấp nở, sau đó nuôi ương trong ao đến khi cá đạt kích cỡ từ 11-12mm thì xuất bán.
Ông Khánh nhận định nghề này thời gian qua mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nhiều hộ ương lãi từ 400-500 triệu đồng/ha/năm. Ban đầu, toàn xã chỉ có vài hộ ương, nay lên đến khoảng 15 hộ với diện tích ao nuôi ương 25-30 ha.
Nhu cầu cá giống cao
Cá bớp có chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, nhanh lớn, ít xảy ra dịch bệnh, ít rủi ro, thức ăn chủ yếu là cá tạp, tỉ lệ sống cao hơn so với các loại khác. Do đó, cá bớp được nuôi phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt là các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang… Nhu cầu con giống vì thế cũng tăng cao qua các năm.
Hiện, quy trình sản xuất giống cá bớp đã ổn định và được đơn giản hóa, dễ thực hiện để áp dụng rộng rãi, kể cả các cơ sở không có đầu tư cao. Cá bớp thương phẩm hiện được nuôi cả bằng hình thức nhỏ lẻ và nuôi công nghiệp quy mô lớn nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi cá bớp ngày càng phát triển, hiện nhiều địa phương thực hiện việc ương cá giống cho hiệu quả cao, mạnh nhất là ở tỉnh Khánh Hòa.
Quy trình ương cá bớp giống bắt đầu từ việc thu mua trứng từ các cơ sở có cá bớp bố mẹ với giá bán trung bình 7 - 10 triệu đồng/kg. Sau đó, trứng được cho vào bể ấp đã được xử lý, sục khí liên tục, ấp ở nhiệt độ 28 - 300C. Sau 1 ngày, trứng nở thành cá bột.
Khi cá đạt kích cỡ 1 - 1,5 cm thì bắt đầu thả nuôi ra ao đất đã được cải tạo, xử lý, cho ăn thức ăn hỗn hợp hay thức ăn công nghiệp. Sau khoảng 1,5 tháng ương nuôi, cá đạt khoảng 10 - 11 cm thì xuất bán.
Theo người nuôi, cá bớp giống chất lượng có thân thon dài, màu sắc tươi đẹp, cá không tóp bụng, bụng không phềnh to, tàu tương đối so với thân và đuôi. Hiện, cá bớp giống được bán với giá 15.000 - 20.000 đồng/con, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Cá bớp đang là đối tượng được ưu tiên chọn nuôi tại nhiều tỉnh ven biển ở nước ta. Cho nên việc ổn định nguồn con giống chất lượng cao là rất cần thiết để nghề nuôi cá bớp phát triển.