Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tháng cuối năm và đầu năm 2022 sẽ thế nào?

07/12/2021 16:30 GMT+7
Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng mạnh...
Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tháng cuối năm và đầu năm 2022 sẽ thế nào? - Ảnh 1.

Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng mạnh... Nguồn: Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam

Trung Quốc tiếp tục là thị trường số 1 của cao su Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 10,14 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. 

Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,69 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2021 chiếm 16,7%, tăng mạnh so với mức 14,9% của 10 tháng năm 2020.

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tháng cuối năm và đầu năm 2022 sẽ thế nào? - Ảnh 2.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Về chủng loại nhập khẩu Trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS: 4001) của Trung Quốc đạt 3,02 tỷ USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Việt Nam. Nhập khẩu cao su từ các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ Indonesia giảm. 

Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 190,44 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 6,3% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 7,6% của 10 tháng năm 2020. 

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường như Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Myanmar, Lào… so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tháng cuối năm và đầu năm 2022 sẽ thế nào? - Ảnh 3.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Trong 10 tháng năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) đạt 3,94 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Indonesia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc. 

Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 1,49 tỷ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 38% trong tổng trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 28,4% của 10 tháng năm 2020. 

Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường như Myanmar, Lào; trong khi giảm nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia… so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tháng cuối năm và đầu năm 2022 sẽ thế nào? - Ảnh 4.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tháng cuối năm và đầu năm 2022 sẽ thế nào? - Ảnh 5.

Trung Quốc đang và sẽ nhập khẩu 1,7 triệu tấn để bù đắp mức thiếu hụt dự kiến từ tháng 9 đến tháng 12/2021 này và thêm 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 01 đến tháng 4/2022. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Thực tế, hoạt động sản xuất cao su đã hồi phục mạnh mẽ kể từ khi nhiều địa phương phía Nam thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từ đó thúc đẩy xuất khẩu cao su tăng cao trở lại.

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 11, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 210 ngàn tấn, trị giá 354 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với tháng 10.

Trong 10 tháng năm 2021, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều đạt được tăng trưởng khá so với so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 62% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 925,14 ngàn tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 37,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,4% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 919,78 nghìn tấn, trị giá 1,51 tỷ USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 37,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đồng thời, 10 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ cao su tổng hợp có giá xuất khẩu bình quân giảm.

Đáng chú ý một số chủng loại cao su có giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Cao su dạng Crếp tăng 104,2%, Skim block tăng 48,6%, RSS1 tăng 41,5%;...

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tháng cuối năm và đầu năm 2022 sẽ thế nào? - Ảnh 6.

Chế biến mủ cao su trong nhà máy ở Đồng Nai. Ảnh: Trần Khánh

Cần tranh thủ cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu

Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) trong báo cáo quý III/2021 cho biết, tương lai của thị trường cao su thiên nhiên phụ thuộc vào việc Trung Quốc giải quyết vấn đề khủng hoảng điện và phục hồi ngành sản xuất trong nước như thế nào?!.

Cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc được kỳ vọng có thể sẽ giảm bớt hơn nữa vào tháng 12 và cả ở những tháng đầu năm 2022 do chính phủ nước này đã bắt đầu thực hiện nhiều động thái mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu thời gian khủng hoảng kéo dài hơn thì sẽ gây bất lợi đáng kể đến tiêu thụ cao su thiên nhiên ở Trung Quốc-nước nhập khẩu và tiêu thụ cao su thiên nhiên hàng đầu thế giới.

Trung Quốc đã đẩy mạnh mua cao su trong tháng 10 và 11. Để đáp ứng nhu cầu từ khu vực sản xuất, dự kiến Trung Quốc sẽ nhập khẩu 1,267 triệu tấn trong quý IV, đưa tổng lượng nhập khẩu trong năm 2021 lên 4,920 triệu tấn.

Thời gian qua, giá cao su thế giới đã đi xuống kể từ tháng 6. Nguyên nhân chủ yếu cũng do nhu cầu chậm chạp từ Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, giá cao su thiên nhiên đã đảo chiều tăng trở lại kể từ cuối tháng 9 đến nay, do hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc tăng trở lại, dịch Covid-19 ở nước này được kiểm soát tốt.

Cho đến lúc này, những tác động từ cuộc khủng hoảng thiếu điện và những quy định hạn chế sản xuất liên quan đến môi trường và khả năng cung cấp tín dụng ở Trung Quốc vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. Tuy nhiên, dự báo lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc sẽ tiến sát mức bình thường từ cuối tháng 12 nên nhiều khả năng giá cao su quốc tế sẽ tiếp tục đà đi lên.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Trung Quốc đã tiêu thụ khoảng hơn 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng cho tới tháng 11/2021. Trong đó, khoảng 115.000 tấn được đáp ứng từ nguồn cung nội địa. Từ tháng 7 tới tháng 11 là giai đoạn cao điểm của sản xuất cao su tại Trung Quốc, và quốc gia này đã tăng nhập để bù đắp cho khoản thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng. Trung Quốc đang và sẽ nhập khẩu 1,7 triệu tấn để bù đắp mức thiếu hụt dự kiến từ tháng 9 đến tháng 12/2021 này và thêm 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 01 đến tháng 4/2022. Việc của các doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam là cần tranh thủ cơ hội thuận lợi này để đẩy mạnh xuất khẩu cao su sang Trung Quốc trong tháng cuối năm và đầu năm 2022.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục