Nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu phục hồi, giá "vàng trắng" biến động rất mạnh cuối năm
Thế giới sẽ thiếu hụt 192 nghìn tấn cao su tự nhiên, nguồn cung toàn cầu vẫn thắt chặt
Trong tháng 11/2021, giá cao su tự nhiên tại các sàn giao dịch chủ chốt ở châu Á có phiên tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng do nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu phục hồi, cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá xuống mức thấp nhất vào ngày 05/11/2021 (ở mức 212 Yên/kg), sau đó tăng trở lại. Ngày 29/11/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 01/2022 giao dịch ở mức 232,5 Yên/kg (tương đương 2,05 USD/kg), tăng 4% so với cuối tháng 10/2021, nhưng vẫn giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su xuống mức thấp nhất tháng vào ngày 04/11/2021 (ở mức 13.900 NDT/tấn), sau đó tăng trở lại. Ngày 29/11/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 01/2022 ở mức 15.185 NDT/tấn (tương đương 2,36 USD/kg), tăng 2% so với cuối tháng 10/2021, nhưng giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Thái Lan, đầu tháng 11/2021, giá cao su giảm xuống mức thấp nhất tháng vào ngày 05/11/2021 (ở mức 58,4 Baht/kg), sau đó tăng trở lại. Ngày 29/11/2021, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 61,8 Baht/kg (tương đương 1,83 USD/kg), tăng 3,5% so với cuối tháng 10/2021, nhưng vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá cao su trong tháng 11/2021 biến động mạnh, giá có phiên tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng (ngày 25/11/2021) với hy vọng ngày càng tăng rằng sản lượng ô tô sẽ phục hồi sau khi sụt giảm do tình trạng thiếu vi mạch.
Tuy nhiên, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã khiến giá cao su giảm trong những ngày cuối tháng. Với khả năng lây nhiễm nguy hiểm hơn cả biến thể Delta và kháng vaccine mạnh hơn, thông tin về biến thể mới của virus đã khiến thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu đồng loạt lao dốc trong ngày 26/11/2021, khiến giá cao su tự nhiên giao dịch trên thế giới cũng giảm.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu thế giới về cao su tự nhiên năm 2021 ước tính tăng 8,3% so với năm 2020, lên 14,028 triệu tấn. Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên sản lượng cao su tự nhiên thế giới được điều chỉnh lên 13,836 triệu tấn, tăng 1,8% so với năm 2020.
Theo số liệu cho thấy, thế giới sẽ thiếu hụt 192 nghìn tấn cao su tự nhiên trong năm 2021. Nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt phần lớn do các trận mưa lũ bất thường, không theo mùa đã ảnh hưởng đến các vùng trồng cao su chính ở Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia. Trong đó, Thái Lan và các vùng trồng cao su chính của Malaysia đã trải qua mùa mưa kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Mặt khác, việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn đã góp phần đáng kể vào sự phục hồi của ngành cao su.
Trước tình hình nguồn cung dự báo thiếu hụt và diễn biến giá cao su hiện nay, hiệp hội và các doanh nghiệp cao su lớn cho rằng, giá cao su sẽ không sớm hạ nhiệt bởi các tháng cuối năm công trường ngưng cạo mủ, lúc đó giá sẽ càng có điều kiện đẩy lên cao. "Dự kiến giá cao su sẽ tăng đến hết quý I/2022", Hội cao su - nhựa TP.HCM đưa ra dự báo.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh tới thu hoạch mủ cao su trong nước
Trong nước, tình hình dịch Covid-19 tại các tỉnh trồng nhiều cao su như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất thu hoạch mủ cao su.
Trong tháng 11/2021, mủ cao su tiểu điền được các thương lái thu mua dao động quanh mức 290-335 đồng/độ TSC (độ mủ cao su là tên thường gọi của chỉ số TSC-DRC. Trong đó, TSC là chỉ số hàm lượng chất khô có trong mủ cao su thiên nhiên). Tại Bình Phước, giá thu mua mủ nước dao động ở mức 293-333 đồng/độ TSC, giảm 10 đồng/độ TSC so với cuối tháng 10/2021. Tại Đắk Lắk, giá mủ chén đầu ghi nhận mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động khoảng 334-336 đồng/độ TSC. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động ở mức 330 đồng/độ TSC.
Hoạt động sản xuất hồi phục mạnh mẽ kể từ khi nhiều địa phương phía Nam thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từ đó thúc đẩy xuất khẩu cao su tăng cao trở lại.
Theo ước tính, trong tháng 11/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 210 nghìn tấn, trị giá 354 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với tháng 10/2021; so với tháng 11/2020 giảm 3% về lượng, nhưng tăng 6,9% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.687 USD/tấn, tăng 1,7% so với tháng 10/2021 và tăng 10,2% so với tháng 11/2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 1,7 triệu tấn cao su, trị giá 2,84 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 40,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều đạt được tăng trưởng khá so với so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, một số chủng loại như: SVR 20, SVR CV60, SVR 3L, SVR CV50, SVR 10, cao su tổng hợp, RSS1… đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 10 tháng năm 2021, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 62% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 925,14 nghìn tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 37,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,4% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 919,78 nghìn tấn, trị giá 1,51 tỷ USD, tăng 9,1% về lượng và tăng 37,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Về giá xuất khẩu: Trong 10 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ cao su tổng hợp có giá xuất khẩu bình quân giảm. Trong đó, đáng chú ý một số chủng loại cao su có giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Cao su dạng Crếp tăng 104,2%; Skim block tăng 48,6%; RSS1 tăng 41,5%; SVR CV40 tăng 38,9%; RSS3 tăng 34,9%; SVR CV60 tăng 33,2%...
Cũng nhờ giá xuất khẩu cao su ở mức cao đã giúp các doanh nghiệp cao su ghi nhận biên lợi nhuận cải thiện, lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý 3 vừa qua và dự báo còn tăng mạnh trong quý 4 này. Điển hình như Công ty CP Cao su Tân Biên (Mã: RTB) ghi nhận doanh thu quý III đạt 265 tỷ đồng, tăng 16%, lợi nhuận sau thuế gấp 3,5 lần lên 159 tỷ đồng. Hay tại Cao su Đắk Lắk (Mã: DRG) đạt doanh thu 384 tỷ đồng, tăng 47%; lãi sau thuế 31 tỷ đồng, gấp 3 lần quý III/2020. Công ty CP Cao su Hoà Bình (Mã: HRC) trong 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận 126 tỷ đồng, thực hiện 72% so với kế hoạch đề ra và lợi nhuận trước thuế đạt 2,8 tỷ đồng, hoàn thành 282% kế hoạch. Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) 9 tháng đầu năm 2021 ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 119 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020...
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về diện tích cao su, chiếm khoảng 5,6% tổng diện tích toàn cầu. Sản lượng cao su của Việt Nam xếp thứ 3 thế giới, chiếm khoảng 7,7% tổng lượng cao su tự nhiên thế giới, sau Thái Lan và Indonesia.
Hiện cả nước có 238 doanh nghiệp chế biến mủ cao su, công suất đạt gần 1,2 triệu tấn/năm. Riêng Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam có 44 nhà máy, xí nghiệp chế biến mủ cao su, với công suất thiết kế 433 nghìn tấn/năm, chiếm 36,1% công suất các cơ sở chế biến mủ cao su cả nước.