Xuất khẩu chè "lao dốc" ở hầu hết các thị trường chính

27/05/2023 15:17 GMT+7
Xuất khẩu chè tới các thị trường chính như Pakistan, thị trường Đài Loan và Nga đều giảm trong 4 tháng đầu năm 2023.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 4/2023 đạt 8,1 nghìn tấn, trị giá 13,7 triệu USD, giảm 9,2% về lượng và giảm 15,8% về trị giá so với tháng 4/2022. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 4/2023 đạt 1.694,8 USD/tấn, giảm 7,2% so với tháng 4/2022. 

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu chè đạt 29,4 nghìn tấn, trị giá 48,9 triệu USD, giảm 17,1% về lượng và giảm 22,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.663,0 USD/tấn, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu chè "lao dốc" ở hầu hết các thị trường chính  - Ảnh 1.

Xuất khẩu chè tới các thị trường chính như Pakistan, thị trường Đài Loan và Nga đều giảm trong 4 tháng đầu năm 2023.

Xuất khẩu chè "lao dốc" ở hầu hết các thị trường chính  - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu chè tới các thị trường chính như Pakistan, Đài Loan và Nga đều giảm trong 4 tháng đầu năm 2023. Dẫn đầu về lượng và trị giá là xuất khẩu tới thị trường Pakistan, đạt 10,8 nghìn tấn, trị giá 19,5 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và giảm 6,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Lượng xuất khẩu chè tới Pakistan chiếm 36,6% trong tổng xuất khẩu, do đó xuất khẩu chè tới thị trường này giảm sẽ tác động tới hoạt động xuất khẩu ngành chè. 

Triển vọng xuất khẩu chè tới Pakistan kém khả quan, khi nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế do thiếu ngoại tệ và lũ lụt, khiến tỷ lệ lạm phát lương thực của Pakistan đạt mức cao nhất mọi thời đại là 47,2% vào tháng 3/2023. Tình hình kinh tế bất ổn đã khiến nhu cầu tiêu thụ nội địa rất khó khăn để chi trả cho các nhu yếu phẩm cơ bản, bao gồm cả chè.

Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Đài Loan đạt 3,6 nghìn tấn, trị giá 5,6 triệu USD, giảm 14,8% về lượng và giảm 15,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Đài Loan đóng vai trò trung gian cho nhiều chủng loại sản phẩm của Việt Nam, trong đó có mặt hàng chè để xuất khẩu sang các thị trường Âu, Mỹ và Đông Á. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Đài Loan có xu hướng giảm mạnh, do kinh tế suy giảm, GDP của thị trường Đài Loan trong quý I/2023 giảm 3,02% so với cùng kỳ năm 2022, bởi tác động của lạm phát toàn cầu, áp lực tăng tăng lãi suất kéo dài và nhu cầu người tiêu dùng tiếp tục suy yếu.

Chè xuất khẩu tới thị trường Nga trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 2,4 nghìn tấn, trị giá 3,9 triệu USD, giảm 12,5% về lượng và giảm 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn căng thẳng. Các biện pháp trừng phạt đối với Nga chưa ngừng lại. Hiện các hãng tàu, hàng không lớn chưa nối lại vận chuyển tới Nga. Do đó, các hoạt động vận tải, thanh toán giữa Việt Nam và Nga vẫn còn nhiều khó khăn, điều này ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng chè tới thị trường Nga.

Ngoài các thị trường chính, trong 4 tháng đầu năm 2023 mặt hàng chè còn xuất khẩu tới một số thị trường khác như: Iraq, Indonesia, Hoa Kỳ, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ… Đáng chú ý, chè xuất khẩu tới Iraq, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Xê-út tăng trưởng đáng kể trong 4 tháng đầu năm 2023; bù đắp phần nào cho sự sụt giảm xuất khẩu chè ở các thị trường chính.

Xuất khẩu chè "lao dốc" ở hầu hết các thị trường chính  - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu chè "lao dốc" ở hầu hết các thị trường chính  - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Tình hình xuất khẩu chè hiện nay, theo các chuyên gia là khó cứu vãn, chỉ có cách chờ đợi các thị trường hồi phục trở lại. Các doanh nghiệp xuất khẩu chè cần tiếp tục nâng cao chất lượng, tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới để đẩy mạnh xuất khẩu...

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục