Xuất khẩu chè hồi phục trở lại, tràn đầy hy vọng
Xuất khẩu chè tăng cả về lượng và giá trị
Ước tính, xuất khẩu chè trong tháng 10/2022 đạt 15 nghìn tấn, trị giá 23 triệu USD, tăng 14,3% về lượng và tăng 1,2% về trị giá so với tháng 10/2021. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 10/2022 đạt 1.552,7 USD/tấn, giảm 11,5% so với tháng 10/2021.
Tính chung 10 tháng năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 107 nghìn tấn, trị giá 181 triệu USD, tăng 2,3% về lượng và tăng 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè xuất khẩu bình quân trong 10 tháng năm 2022 đạt 1.691,4 USD/tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, quý 3/2022, xuất khẩu chè đạt 38,4 nghìn tấn, trị giá 65,2 triệu USD, tăng 14,5% về lượng và tăng 11,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè xuất khẩu bình quân trong quý 3/2022 đạt 1.699,8 USD/tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu chè đạt 92,1 nghìn tấn, trị giá 157,8 triệu USD, tăng 0,5% về lượng và tăng 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè xuất khẩu bình quân trong 9 tháng năm 2022 đạt 1.714 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Về chủng loại: Chè xanh là loại được xuất khẩu nhiều nhất trong 9 tháng năm 2022, với trị giá chiếm 52,5% trong tổng trị giá xuất khẩu chè, tăng 5,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Chè xanh xuất khẩu nhiều nhất tới khu vực châu Á, chiếm 95,9% tổng trị giá xuất khẩu chè xanh; Tiếp theo là khu vực châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi.
Chủng loại chè đen xuất khẩu lớn thứ 2 về trị giá, chiếm 35,03% trong tổng trị giá xuất khẩu chè, giảm 5,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi chè đen xuất khẩu sang khu vực châu Á và châu Âu giảm, thì chè đen xuất khẩu tới châu Mỹ lại tăng khá, đạt 6 triệu USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù xuất khẩu chè đen sang châu Mỹ tăng mạnh, nhưng trị giá xuất khẩu sang khu vực này chỉ chiếm 10,8% tổng trị giá xuất khẩu chè đen. Do đó, mức tăng không bù đắp được mức giảm từ khu vực châu Á và châu Âu, với trị giá chiếm 88,6% tổng trị giá xuất khẩu chè đen.
Về thị trường: Mặt hàng chè xuất khẩu tới châu Á trong 9 tháng năm 2022 chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 132,9 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chè xuất khẩu tới thị trường Pakistan nhiều nhất trong khu vực châu Á, đạt 71,7 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Iraq… Tỷ trọng xuất khẩu chè sang khu vực châu Á chiếm 84,2% tổng trị giá xuất khẩu, tăng 3,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu tới khu vực châu Âu đạt 16,9 triệu USD, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 10,72% trong tổng trị giá xuất khẩu chè, giảm 3,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021; tiếp theo là xuất khẩu tới khu vực châu Mỹ đạt 7,6 triệu USD, tăng 17%, chiếm 4,8%, tăng 0,6 điểm phần trăm…
5 thị trường nhập khẩu chè lớn nhất, thị phần của Việt Nam là bao nhiêu?
Pakistan là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất trên thế giới. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội chè Pakistan, nhập khẩu chè của nước này trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 130,5 nghìn tấn, trị giá 349 triệu USD, giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 11,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, do giá chè nhập khẩu bình quân đạt 2.678,2 USD/tấn, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam chiếm 1,3% tổng lượng chè nhập khẩu, giảm 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Nhu cầu tiêu thụ chè của Pakistan đang có xu hướng giảm, do từ tháng 6/2022 Chính phủ Pakistan đã kêu gọi người dân giảm uống chè để giữ cho nền kinh tế phát triển, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của Pakistan thấp.
Hoa Kỳ đang có nhu cầu tăng nhập khẩu chè, trong 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu chè của nước này đạt 72,6 nghìn tấn, trị giá 308,4 triệu USD, tăng 7% về lượng và tăng 6,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022 chiếm 5,6% trong tổng lượng chè nhập khẩu của Hoa Kỳ, tăng 0,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Theo Nghiên cứu từ Hiệp hội Chè Hoa Kỳ, lạm phát cao đã khiến người tiêu dùng nước này chuyển sang dùng chè nhiều hơn, thay cho những đồ uống đắt tiền, vì vậy xu hướng nhập khẩu chè tại Hoa Kỳ sẽ ngày càng tăng.
Anh và Đức cũng tăng nhập khẩu chè trong 7 tháng đầu năm 2022, tuy nhiên tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Anh và Đức đều giảm. Đây là các thị trường khó tính với nhiều tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, đòi hỏi các doanh nghiệp ngành chè của Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng cao để vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường mới có thể mở rộng thị phần tại các thị trường này.