Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng rất mạnh dù Trung Quốc giảm nhập

18/05/2022 09:48 GMT+7
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của ta có triển vọng khả quan trong thời gian tới, bởi nhu cầu tại các thị trường lớn tăng trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có triển vọng khả quan

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2022 đạt 1,59 tỷ USD, tăng 12% so với tháng 4/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,14 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 4/2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,6 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,17 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có triển vọng khả quan trong thời gian tới, bởi nhu cầu tại các thị trường lớn tăng trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của ngành gỗ trong năm 2022 bị cản trở bởi chi phí vận chuyển, chi phí hàng hoá tăng, sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, điều này khiến doanh nghiệp ngành gỗ gặp nhiều khó khăn hơn.

Trung Quốc giảm nhập, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn tăng rất mạnh - Ảnh 1.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn tăng rất mạnh.

Trung Quốc giảm nhập, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn tăng rất mạnh - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường chính đều tăng, trừ thị trường Anh và Đức. Trong đó, trị giá xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng cao, đạt 3,3 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 59,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, lại đang trong giai đoạn phục hồi mạnh sau đại dịch, Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng đối với gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. 

Tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 545,2 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2021; Trung Quốc đạt 539,9 triệu USD, tăng 2,3%; Hàn Quốc đạt 356,6 triệu USD, tăng 21,2%...

Trung Quốc giảm nhập, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn tăng rất mạnh - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam giảm trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 3/2022 Trung Quốc nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 65,3 triệu USD, giảm 21,7% so với tháng 3/2021. 3 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc đạt 206,6 triệu USD, giảm 13,7% so với năm 2021.

Trung Quốc giảm nhập, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn tăng rất mạnh - Ảnh 4.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Trung Quốc nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ nhiều nhất từ thị trường Ý trong 3 tháng đầu năm 2022, đạt 102,3 triệu USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 49,5% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc; Tiếp theo là thị trường Đức đạt 27,3 triệu USD, tăng 3,8%, chiếm 13,2%; Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 cho Trung Quốc, nhưng trị giá chỉ chiếm 6,7% tổng trị giá nhập khẩu, đạt 13,8 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2021.

Trung Quốc giảm nhập, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn tăng rất mạnh - Ảnh 5.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất là mặt hàng ghế khung gỗ (mã HS 940161 + 940169) trong 3 tháng đầu năm 2022, đạt 72,9 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2021, tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này chiếm 35,3% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ. Trung Quốc nhập khẩu ghế khung gỗ chủ yếu từ thị trường Ý, với trị giá chiếm 60,3% tổng trị giá mặt hàng ghế khung gỗ nhập khẩu. Tiếp theo là thị trường Việt Nam, Thái Lan, Pháp… 

Đồ nội thất phòng khách và phòng ăn (mã HS 940360) là mặt hàng nhập khẩu lớn thứ 2 trong 3 tháng đầu năm 2022, đạt 67,9 triệu USD, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu từ Ý chiếm 44,7% tổng trị giá đồ nội thất phòng khách và phòng ăn nhập khẩu, đạt 30,4 triệu USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc nhập khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn từ một số thị trường khác nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong 3 tháng đầu năm 2022 như: Việt Nam chiếm 11,1%; Ba Lan chiếm 8,6%; Đức chiếm 4,9%; Litva chiếm 4,1%...

Trung Quốc giảm nhập, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn tăng rất mạnh - Ảnh 6.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc Ghi chú: Mã HS 940360: đồ nội thất phòng khách và phòng ăn; HS 940350: đồ nội thất phòng ngủ; HS 940340: đồ nội thất nhà bếp; HS 940161 + 940169: ghế khung gỗ; HS 940330: đồ nội thất văn phòng

Được biết, hiện Không chỉ kín đơn hàng đến hết quý III/2022, một số doanh nghiệp gỗ cũng đã chốt xong đơn hàng hết năm 2022. Các doanh nghiệp này được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhờ xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khả quan trong năm nay.

Dự báo năm 2022, kinh tế toàn dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, sức tiêu thụ hàng hóa tăng lên, vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, sự chủ động về công nghệ sản xuất và nguyên liệu gỗ đầu vào sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt tăng trưởng trên 20% trong năm 2022.

Qua kết quả khảo sát tại 100 thị trường của Trung tâm Nghiên cứu công nghiệp Italy (CSIL), năm 2022, thị trường đồ gỗ toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4%. Trong số thị trường, các thị trường thuộc châu Âu và châu Á sẽ có sự tăng trưởng mạnh nhất về tiêu thụ đồ gỗ. Về thị trường chủ đạo của ngành gỗ Việt Nam là Bắc Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục