Xuất khẩu sang các nước trong CPTPP tăng trưởng mạnh
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy: Tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2%, bằng 73,9% kế hoạch năm.
Mặc dù đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2017 và 2018 (tăng tương ứng 20,6% và 15,8%) nhưng cho thấy nỗ lực rất lớn và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biễn phức tạp.
Đáng chú ý, về mặt thị trường xuất khẩu, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt như: Xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 10%; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 8,1%; xuất khẩu sang ASEAN tăng 4,7%; xuất khẩu sang Nga tăng 13,9%; xuất khẩu sang New Zealand tăng 12,5%...
Trước đó, theo Tổng cục Hải quan, nhìn chung, trong quý đầu năm 2019 kim ngạch hầu hết các mặt hàng xuất sang Nhật Bản đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt, xuất khẩu mặt hàng phân bón có sự tăng trưởng đột biến trong quý 1/2019 khi đạt 8.126 tấn, tương đương trị giá 3,7 triệu USD, tăng 509% về lượng và tăng 1.158% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Nhờ Hiệp định CPTPP, Nhật Bản đã lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, với hai hiệp định thương mại tự do (FTA) là Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản, một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật cũng được xóa bỏ rào cản thuế quan.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng trưởng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu sang Canađa 9 tháng đầu năm đạt 2,9 tỷ USD, tăng 30,9%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,2 tỷ USD, tăng 27%.
Canada được đánh giá là một trong những thị trường mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP. Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, Canada là thị trường có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.Trước đó, năm 2018, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản đạt hơn 18,8 tỷ USD, trong đó, hàng dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 20%. Ngoài ra, thủy sản, đồ gỗ và giày dép lần lượt chiếm tỷ trọng 7,4%, 6,1% và 4,5%. Và chỉ sau một thời gian ngắn CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã có sự tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tất cả các cơ hội xuất khẩu vào Canada có thể chỉ nổi bật trong một thời gian ngắn, vì vậy doanh nghiệp Việt cần chủ động tận dụng nhanh, hiệu quả nhằm chiếm lĩnh ưu thế trước khi các quốc gia có lợi thế tương tự gia nhập CPTPP, đồng thời khai thác Canada như một cửa ngõ để tiếp cận hiệu quả các thị trường giàu tiềm năng tại châu Mỹ.
9 tháng qua, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu ước đạt 44,86 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên ngành thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường này. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính đến hết tháng 8, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,3 tỉ USD, giảm 7,7% so với cùng kì năm trước.
Dù đánh giá việc đàm phán, ký kết các FTA đã mang lại nhiều cơ hội cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường cho Việt Nam, song Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh: Năng lực cạnh tranh quốc gia, hoạt động thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa có sự cải thiện rõ rệt để tận dụng tối đa lợi ích mang lại.
Nhiều doanh nghiệp chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phương thức marketing trong thương mại quốc tế cũng như chưa chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đây là những yếu tố cần nhanh chóng khắc phục để giúp các doanh nghiệp Việt ngày càng tận dụng tốt hơn cơ hội mà các FTA mang lại.