Xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm sâu trong tháng 1/2023, đạt 23 triệu USD
Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 141 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu tôm sang hầu hết các thị trường đều giảm mạnh trong tháng đầu năm 2023. Cụ thể, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 1 năm nay đạt 23 triệu USD, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2022 (mức giảm mạnh nhất trong số các thị trường).
Theo Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Mỹ giảm mạnh do tình trạng dư cung. Giá tôm tại thị trường này cũng đang giảm. Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA), nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 12/2022 chạm mức thấp nhất trong 10 năm.
Theo thông tin từ các nhà nhập khẩu Mỹ, các nhà chế biến và bán buôn trên thị trường này có thể sẽ mua nhiều tôm đã bóc vỏ và bỏ chỉ lưng thay vì tôm còn vỏ, không đầu vì mặt hàng này dễ vận chuyển hơn - trọng lượng nhẹ hơn để giảm chi phí vận chuyển và rút ngắn thời gian chế biến. Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Mỹ có thể khá hơn sau quý đầu năm 2023, đến khoảng tháng 5 khi tồn kho giảm bớt và tình hình kinh tế tích cực hơn.
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng 20,3%. Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản trong tháng 1 năm nay đạt 29 triệu USD, giảm 47% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản dự kiến vẫn ổn định trong năm 2023 vì các sản phẩm tôm tinh chế của Việt Nam vẫn có nhu cầu tốt tại thị trường này. Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và bền vững ngày một cao. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hàng hóa tại Nhật Bản phức tạp với nhiều tầng cấp khác nhau và các chức năng riêng biệt…
Xuất khẩu tôm sang thị trường lớn thứ hai, EU trong tháng 1 năm nay đạt 24 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm sang EU năm 2023 không được đánh giá tích cực do tác động của lạm phát và những bất ổn liên quan đến cuộc chiến Nga – Ukraine.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng mạnh từ các nguồn cung đối thủ như Ecuador, Trung Quốc trên thị trường EU, bên cạnh đa dạng hóa thị trường, DN cần đa dạng hóa cả sản phẩm và chuỗi cung ứng, tập trung nghiên cứu sản xuất những mặt hàng mà thị trường EU cần.
VASEP dự báo tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều yếu tố không thuận lợi, sức mua tiêu dùng còn thấp, tồn kho cao nên xuất khẩu tôm năm nay sẽ đối mặt nhiều thách thức. Trước đó, cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu.
Tại thị trường Nhật Bản yêu cầu các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và bền vững ngày một cao. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hàng hóa tại đây phức tạp với nhiều tầng cấp khác nhau và chức năng riêng biệt nên xuất khẩu vào thị trường này ngày càng khó.
Trong buổi kết nối đầu ra cho nông sản mới đây, VASEP cho biết đang xem Trung Quốc là thị trường tiềm năng để tăng kim ngạch xuất khẩu. VASEP kỳ vọng, việc Trung Quốc mở cửa sẽ giúp cho mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đạt trên 10 tỷ USD, trong đó tôm kỳ vọng đạt 4 tỷ USD.
Trong khi đó, tôm nguyên liệu trong nước hiện khá khan hiếm. Giá tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Bến Tre, Tiền Giang tăng vọt, hút hàng, người nuôi loại thủy sản này có lãi cao. Tôm loại 30 con một kg giá trên dưới 230.000 đồng, tôm loại 40 con một kg giá hơn 190.000 đồng, tăng hơn trước Tết Nguyên đán từ 20-30%.
Tại Nghệ An và các tỉnh phía Bắc, tôm thẻ chân trắng có giá cao hơn miền Nam 100.000 đồng một kg, trong đó loại 20-25 con một kg có giá 370.000-400.000 đồng. Đây được coi là mức giá cao nhất từ trước đến nay, gấp 2-3 lần so với hai tháng trước và cao hơn 50% so với trước Tết.
Hầu hết ao nuôi tôm tại một số tỉnh phía Bắc đang cải tạo, chuẩn bị cho vụ thả mới vào tháng 4 nên dự báo trong khoảng 2-3 tháng nữa, giá tôm vẫn tiếp tục ở mức cao.